Tăng chế tài đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã có nhiều biện pháp kiểm tra, truy đòi nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tăng chế tài đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã có nhiều biện pháp kiểm tra, truy đòi nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tăng chế tài đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ảnh 1

Làm thủ tục hưởng BHXH tại Cơ quan BHXH TPHCM. Ảnh: K.H.

Chế tài tăng = giảm nợ đọng

Rất nhiều lao động phản ánh bức xúc khi bị treo quyền lợi hưởng các chế độ trợ cấp thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… chỉ vì chủ sử dụng lao động nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho họ. Thậm chí, sau khi chủ sử dụng lao động là người nước ngoài “biến mất”, trốn về nước thì người lao động chẳng có hy vọng đòi được tiền lương, nói chi đến hưởng các chế độ trợ cấp BHXH. Điển hình như vụ Giám đốc Công ty TNHH Tiên Hữu (vốn đầu tư nước ngoài) bỏ trốn để lại khoản nợ lương và BHXH lên đến hàng trăm triệu đồng. Các đơn vị nợ tồn đọng BHXH với số tiền lên đến cả tỷ đồng như Công ty TNHH Đồ chơi quốc tế Lucky, Công ty TNHH Ilshin Womo… mới bị tòa xét xử và đang phải thi hành án.

Theo BHXH TPHCM, tính đến tháng 9-2010 vẫn còn 51 đơn vị, doanh nghiệp nợ kéo dài trên 1 năm với tổng số tiền BHXH lên đến 28,7 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH, ngay từ đầu năm 2010, BHXH TPHCM đã tăng cường các biện pháp chế tài như đề nghị thanh tra lao động xử phạt những đơn vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách BHXH và đẩy mạnh việc kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý vi phạm. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2010, BHXH TP và các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra 168 đơn vị sử dụng lao động nợ, chậm nộp BHXH và đã thu về tổng số tiền khắc phục lên đến 32,2 tỷ đồng. Riêng đối với những đơn vị nợ BHXH kéo dài, vi phạm nghiêm trọng Luật BHXH, trong 9 tháng đầu năm 2010, BHXH TP và các quận, huyện đã tiến hành khởi kiện thêm 56 doanh nghiệp và đã thu hồi được số tiền nợ BHXH là 5,3 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, chỉ đến khi bị kiểm tra rốt ráo và đứng trước nguy cơ bị khởi kiện ra tòa, nhiều chủ sử dụng lao động mới miễn cưỡng thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Cụ thể như Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Việt Nhật nộp ngay số tiền nợ BHXH (313,2 triệu đồng) sau khi BHXH TP nộp đơn khởi kiện. Tại các quận, huyện, ngay sau khi BHXH địa phương khởi kiện, nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị liệt vào danh sách “nợ khó đòi” như Công ty TNHH Thương mại cổ phần Phú An Sinh, Công ty TNHH May xuất khẩu Lê, Công ty TNHH May Mai Bình Trân, Công ty cổ phần Quốc tế Việt Sinh… đã khắc phục, trả ngay một phần trong tổng số tiền nợ. Đặc biệt, có 6 công ty đã khắc phục, trả hết toàn bộ số tiền nợ BHXH trước và sau khi bị khởi kiện. 

Mức xử phạt tối đa... nhưng vẫn thấp

Nhận định về kết quả truy đòi nợ BHXH của BHXH TPHCM, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: “Nhờ chúng tôi rốt ráo kiểm tra và tăng cường biện pháp chế tài, chủ động khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng pháp luật BHXH, tình hình nợ tồn đọng quỹ BHXH đã giảm hơn và các doanh nghiệp chây lì phải trả nợ số tiền chiếm dụng của người lao động”.

Phân tích thực trạng nợ BHXH, chiếm dụng vốn của người lao động diễn ra phổ biến, nhiều chuyên gia về lao động cho rằng chính kẽ hở của pháp luật, trong đó biện pháp chế tài xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH áp dụng ở mức thấp, cộng thêm thực tế lãi suất nợ BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm diễn ra phổ biến. Thay vì phải đóng khoản tiền tham gia BHXH lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vi phạm, chịu xử phạt hành chính ở mức cao nhất (theo quy định cũ là 20 triệu đồng) và trả lãi suất nợ BHXH. Khi chủ sử dụng lao động cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH thì người lao động không được thụ hưởng trợ cấp thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội cũng như sự phát triển bền vững của quỹ BHXH.

Từ ngày 1-10-2010, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH được áp dụng theo quy định mới tại Nghị định số 86/2010/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi không đóng BHXH bắt buộc tăng từ 20 triệu lên 30 triệu đồng. Đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc thì mức phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật BHXH cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính mới này tuy đã sửa đổi theo hướng tăng cao nhưng vẫn bị xem là quá thấp và không đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm pháp luật BHXH tiếp diễn. Cần phải xem hành vi chiếm dụng số tiền đóng BHXH của người lao động lên đến hàng trăm triệu đồng trở lên là hành vi phạm pháp nghiêm trọng và phải xử lý hình sự.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục