Năm mới, học sinh của TPHCM ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão về việc học, việc chơi lẫn trải nghiệm cuộc sống. PV Báo SGGP đã ghi lại một số điều ước của các em và mong muốn người lớn - những người có trách nhiệm hãy giúp các em toại nguyện.
Mong học ít nhưng hiểu rộng
Chương trình học hiện nay nặng về lý thuyết, rất ít thực hành nên dễ gây cảm giác mệt mỏi, thậm chí buồn ngủ trên lớp. Vì thế em chỉ ước mong như các bạn ở nước ngoài học ít nhưng hiểu rộng, giàu kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống, nghề nghiệp tương lai. Em thấy có nhiều kiến thức ở lớp 10, 11 học lại là không cần thiết, trong khi đó học sinh THPT cần thời gian để học những môn yêu thích, tự chọn để thi đại học thì không có thời gian. Đặc biệt là thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, trải nghiệm cuộc sống càng eo hẹp. Riêng các môn xã hội có quá nhiều kiến thức học “chay” nên khó tiếp thu, khó nhớ. Vì thế phải thay đổi cách dạy, dạy bằng clip, trình bày dễ hiểu, sinh động, khoa học sẽ dễ nhớ dữ liệu hơn.
Mai Trần Bảo Toàn, lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Tự tin trở thành công dân toàn cầu
Vì sao khi bước chân ra thế giới bên ngoài, một bộ phận giới trẻ Việt Nam tỏ ra thua kém, thiếu tự tin như bạn bè cùng trang lứa ở các nước phát triển? Tất cả là do học sinh Việt Nam chưa được trang bị hành trang về kiến thức, các kỹ năng mềm, thiếu sự năng động, sáng tạo trong học tập, cộng thêm đó là thiếu chuẩn bị tác phong làm việc nên khó hội nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường toàn cầu hóa. Điều này khiến chúng em cảm thấy day dứt và tự hỏi mình phải làm gì để có thể tự tin, năng động, sáng tạo dám sánh vai với bạn bè, giới trẻ ở khắp năm châu? Điều em và các bạn trẻ mong muốn là học sinh Việt Nam được tạo một môi trường học tập, rèn luyện tốt, được trang bị những kiến thức đạt chuẩn quốc tế, kỹ năng mềm cần thiết để trở thành công dân toàn cầu.
Trần Liên Khánh Hoa, Trường Dân lập Đinh Thiện Lý.
Được trải nghiệm, thực hành nhiều hơn
Chúng em muốn thời gian được thực nghiệm, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn là học “chay” - nhiều lý thuyết. Điển hình như môn Lý, Hóa ở trên lớp rất ít thực hành, thí nghiệm nên nhàm chán. Trong khi thông tin trên internet phong phú đa dạng, cập nhật mới liên tục thì sách giáo khoa lại dạy những kiến thức cũ, lạc hậu, cách đây hàng chục năm. Nếu sách giáo khoa đổi mới và bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, hấp dẫn cần thiết cho cuộc sống, việc học của học sinh sẽ hứng thú hơn rất nhiều. Theo em, cần sớm đổi mới kiến thức trong sách giáo khoa để nội dung học sát với thực tiễn, học sinh tiếp thu dễ hơn. Ngoài giờ học chính khóa, em rất mong có thêm nhiều giờ học ngoại khóa bổ ích để hiểu biết và trải nghiệm cuộc sống thực tế. Khi được học những điều gần gũi, thiết thực thì chúng em sẽ biết xử lý các vấn đề của cuộc sống, biết giao tiếp, ứng xử lịch sự có văn hóa hơn…
Lê Trung Nghĩa, lớp 9 Trường THCS Chu Văn An.