Tăng cường hoạt động ngoại khóa ở cấp tiểu học

Những ngày qua, các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có nhiều hoạt động vui chơi ngoại khóa “học mà chơi, chơi mà học” bổ ích, thú vị. Từ việc tổ chức cho học sinh đi tham quan dã ngoại, mời các đoàn kịch rối về trường biểu diễn, xem nghệ nhân trình diễn nhạc cụ dân tộc, đến việc tham gia các câu lạc bộ chế tạo robot, thử tài thí nghiệm hóa học. Đây được xem là một trong những nỗ lực của TP trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho các em.
Tăng cường hoạt động ngoại khóa ở cấp tiểu học

Những ngày qua, các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có nhiều hoạt động vui chơi ngoại khóa “học mà chơi, chơi mà học” bổ ích, thú vị. Từ việc tổ chức cho học sinh đi tham quan dã ngoại, mời các đoàn kịch rối về trường biểu diễn, xem nghệ nhân trình diễn nhạc cụ dân tộc, đến việc tham gia các câu lạc bộ chế tạo robot, thử tài thí nghiệm hóa học. Đây được xem là một trong những nỗ lực của TP trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho các em.

        “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Đón con ở cổng Trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5), chị M.T., cho biết: “Mấy ngày qua cháu vui lắm. Hôm nào đi học về cũng khoe với mẹ về các thí nghiệm hóa học vừa được thầy cô giới thiệu ở trường. Từ bữa được đến Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM xem các thí nghiệm về tính trữ nước của chất siêu thấm, không khí nghiên cứu khoa học ở trường sôi nổi hẳn lên”. Hương Giang, học sinh lớp 4/8, nhớ lại buổi tham quan ngoại khóa: “Trước giờ con chỉ biết đặc tính của chất siêu thấm thông qua sách vở, đây là lần đầu tiên được tận tay thực hiện các thí nghiệm một cách kỳ diệu đến như vậy. Lúc đổ nước vào chiếc cốc đã có sẵn chất siêu thấm, nhìn thấy nước hoàn toàn biến mất, bạn nào cũng ồ lên thú vị”.

Đây là một trong những hoạt động vừa được Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty BASF Việt Nam thực hiện dành cho học sinh 6 trường tiểu học trên địa bàn TP gồm Chính Nghĩa (quận 5), Lương Thế Vinh (quận 7), Thiên Hộ Dương (quận 10), Chu Văn An (quận Bình Thạnh), Cổ Loa (quận Phú Nhuận), Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) và các em nhỏ đến từ mái ấm Thiên Phúc (huyện Củ Chi).

Học sinh Trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5) tham gia ngày hội “Thí nghiệm vui cho bé” do Phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty BASF Việt Nam thực hiện.

Học sinh Trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5) tham gia ngày hội “Thí nghiệm vui cho bé” do Phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty BASF Việt Nam thực hiện.

Ngoài ra, trong những ngày này, các em thuộc đội tuyển Robotics của 2 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đang bước vào giai đoạn nước rút cho việc chuẩn bị tham dự cuộc thi Robothon quốc gia 2013 diễn ra ở Đà Nẵng. Có chứng kiến quá trình luyện tập của các em mới thấy được sự say mê, dày công chuẩn bị của các “chiến binh” Robotics.

Chị Hồng Trang, phụ huynh có con tham gia vào đội tuyển Robotics của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, ngoài việc rèn luyện cho các cháu tính cẩn thận, tỉ mỉ, cuộc thi còn giúp các cháu phát huy tinh thần đồng đội, rèn luyện các kỹ năng quan sát, phán đoán và tư duy sáng tạo. “Thắng thua trong một cuộc thi không quan trọng. Cái chính là các cháu học được gì qua cuộc thi đó” - vị phụ huynh này bày tỏ.

Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động vui chơi trực quan sinh động khác cũng đang được các trường tổ chức. Chọn hình thức đưa học sinh đi tham quan dã ngoại tại Thảo Cầm viên, các trường tiểu học Lương Định Của (quận 3), Minh Đạo (quận 5) hướng đến việc rèn luyện tinh thần tự giác, hòa đồng trong một tập thể, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu thêm về các loài động vật, cây cảnh. Đối với các trường tiểu học Trương Quyền (quận 3), Trần Bình Trọng (quận 5), học sinh được xem các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc do các nghệ nhân đến từ CLB Tiếng hát quê hương thực hiện. Riêng đối với học sinh khối lớp 4 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1), các em được tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên thông qua một hình thức mới lạ, hấp dẫn là kịch rối. Đây là một trong những hoạt động vừa được nhà trường phối hợp cùng Tổ chức “Vì tương lai xanh của bé” (GFOC) thực hiện.

        Mô hình cần nhân rộng

Nói về việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, lãnh đạo các trường đều thừa nhận đây là một trong những hình thức học tập ngoài trời, giáo dục kỹ năng sống rất cần thiết đối với học sinh. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ: “Kinh phí tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế không nhiều. Trường nào biết gói ghém, vận động được các đơn vị tài trợ có thể không cần học sinh đóng góp. Riêng đối với những hoạt động tham quan bảo tàng, cắm trại ở Thảo Cầm viên, cần chi phí thuê xe vận chuyển. Mỗi phụ huynh chỉ cần đóng góp từ 20.000 - 30.000 đồng, cộng thêm một phần kinh phí hỗ trợ từ quỹ cha mẹ học sinh là các em có thể có một buổi vui chơi ngoại khóa bổ ích”.

Đồng quan điểm, chị Huỳnh Thu Thảo, phụ huynh có con học lớp 4, Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5), chia sẻ: “Thay vì phải tốn tiền triệu cho con tham gia các CLB năng khiếu ở nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa vào cuối tuần, việc nhà trường tổ chức cho các cháu tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa ngoài trời như thế khiến phụ huynh hết sức hài lòng và ủng hộ. Tuy nhiên, số lượng các buổi ngoại khóa như thế chưa nhiều, một năm nhiều lắm chỉ được 2-3 lần. Hơn nữa, không phải học sinh khối lớp nào cũng được tổ chức đồng đều nên vẫn còn thiệt thòi đối với các em”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay chưa có quy định chung về thời lượng, quy mô tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, chủ trương của Sở GD-ĐT là khuyến khích các trường tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các em có thêm sân chơi bổ ích, vừa trau dồi thêm kiến thức vừa rèn kỹ năng sống một cách hiệu quả. Đại diện nhiều phòng giáo dục bày tỏ, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tiểu học hiện nay phụ thuộc nhiều vào “sáng kiến”, mối quan hệ và tâm huyết của người hiệu trưởng. Do đó mới nảy sinh tình trạng có trường hoạt động ngoại khóa rất mạnh, có trường chỉ tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy trên lớp.

Vì vậy đã có nhiều kiến nghị nhân rộng mô hình này ở tất cả khối lớp của cấp tiểu học, vừa tạo cho học sinh môi trường học tập thoải mái vừa tăng tính liên kết, phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh. Đó mới chính là mục tiêu lâu dài của ngành giáo dục.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục