Theo khảo sát của Quỹ châu Á, gần 90% doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó 60% DN bị tổn thất tài chính, 5% DN đứng trước nguy cơ phá sản. Những con số này cho thấy các DN vẫn còn rất thụ động trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai. Làm thế nào để DN hạn chế được những hậu quả này đang là một bài toán khó.
Doanh nghiệp xem nhẹ phòng chống thiên tai
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, cho biết kết quả khảo sát hơn 100 học viên là cán bộ, lao động làm việc tại các DN trong các lớp lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với thiên tai tại Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Bình Định cho thấy, phần lớn các DN chưa chủ động trong phòng tránh rủi ro thiên tai mà đang trông mong nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là hỗ trợ tài chính sau thiệt hại và họ vẫn xem nhà nước có vai trò quyết định trong các hoạt động phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thậm chí, các DN cũng chưa xem bảo hiểm là yếu tố quan trọng góp phần phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai do quy trình thẩm định thiệt hại quá phức tạp. Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển Việt Nam cho biết, hầu hết các DN ở phía Nam chưa có các biện pháp phòng ngừa và chưa có sự chuẩn bị cho các tình huống thiên tai hay thảm họa. Nguyên nhân mà theo các DN này phản ánh là do DN nằm trong khu vực chưa có thiên tai hoặc là ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mặt khác, do công ty có quy mô nhỏ nên không có kinh phí, không được nghị quyết đại hội cổ đông cho phép trích lập, hay công ty mới chỉ tập trung vào công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), chưa bao giờ con người đứng trước những thách thức khủng khiếp do thiên tai gây ra như hiện nay. Chúng ta đang phải đối phó với những yếu tố bất định không lường trước được của thiên tai như mưa ngày càng tăng, bão ngày càng mạnh, lũ chồng lũ, lún mặt đất, nước biển dâng, ngập úng… thực tế tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM cho thấy, nếu không có sự chuẩn bị để ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, thiệt hại sẽ vô cùng lớn, thiệt hại kinh tế khó lường và ngân sách sẽ phải tăng rất nhiều để giải quyết. Trong bối cảnh đó, DN cần phải thích ứng chủ động thay vì chống chịu. Các DN phải có sự chuẩn bị tốt để giảm nhẹ thiệt hại tối thiểu khi thiên tai xảy ra. Nếu DN quản lý rủi ro tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được người lao động và tài sản của DN, bảo vệ được hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ được khách hàng, thực hiện trách nhiệm với xã hội, nâng cao hình ảnh của DN. Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai cũng mở ra những cơ hội đầu tư mới cho các DN, chẳng hạn như các DN có thể nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chống thấm, hồ chứa nhân tạo để tận thu nguồn nước phục vụ lại cho sinh hoạt và sản xuất.
Hợp tác công tư (PPP) - Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp
Ông Nguyễn Diễn cho biết thêm, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5-2014, quy định về quyền và trách nhiệm của DN trong phòng, chống thiên tai như DN có quyền tham gia đầu tư dự án xây dựng công trình phòng, chống thiên tai kết hợp đa mục tiêu theo quy hoạch, kế hoạch của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và được khai thác lợi ích do việc đầu tư mang lại theo quy định của pháp luật. Ông Diễn cho biết thêm, đây là khung pháp lý vững chắc giúp tăng cường hợp tác PPP trong quản trị rủi ro thiên tai. DN cũng nên xem đây là cơ hội đầu tư và xây dựng những dự án cụ thể ứng phó thiên tai thông qua hình thức PPP. Việc hợp tác này cũng sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí của ngân sách dành cho lĩnh vực này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Thanh, Giám đốc Quỹ châu Á (TAF), cho biết TAF có nhiều lý do lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á để triển khai dự án tăng cường quản trị rủi ro thiên tai cho DN. Mục tiêu của dự án này là nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng DN về quản lý rủi to thiên tai, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và DN trong quản lý thiên tai. Từ đó, thay đổi tư duy của cộng đồng DN Việt Nam, khuyến khích hướng hoạt động đầu tư của DN sang công tác phòng ngừa thiên tai, đối phó thiên tai. TAF sẽ thúc đẩy hợp tác PPP qua từng dự án cụ thể tại Việt Nam và kỳ vọng đây là hướng đi nhận được nhiều đồng thuận của DN. Hợp tác PPP là cách để thu hút DN tư nhân tham gia vào, bổ sung nguồn lực cho phía nhà nước để tham gia vào từng dự án ứng phó thiên tai cụ thể. Vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc lôi kéo, tạo ra những dự án giúp ứng phó thiên tai mà DN có thể thấy được lợi ích của mình trong dự án đó.
Có thể thấy rằng, về phía cơ quan nhà nước đã thực sự sẵn sàng cho các dự án PPP trong lĩnh vực này. Các nhà tài trợ, điển hình như TAF đã bày tỏ nhiều thiện ý hỗ trợ về tài chính để triển khai. Cơ hội đầu tư đang chờ đón các DN.
MINH HẢI