Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM Lê Công Phương:
Việc cây xanh trên địa bàn TPHCM gãy đổ là chuyện thường xảy ra vào mùa mưa bão. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Phương (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM (Công ty CVCX) về một số vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc, mé nhánh hệ thống cây xanh để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão đang bắt đầu.
Tỉa cành, mé nhánh cây trước mùa mưa 2016 trên đường Trần Phú, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
- Phóng viên: Ông có thể nói gì về công tác chuẩn bị và phương án phòng chống sự cố cây xanh có thể gãy đổ khi thành phố đã bước vào mùa mưa bão 2016?
>> Ông LÊ CÔNG PHƯƠNG: Theo nhận định của các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết được dự báo có thể sẽ có những diễn biến phức tạp. Trước viễn cảnh ấy, không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ nhiều tháng qua, chúng tôi đã có các bước chuẩn bị và triển khai các biện pháp thực hiện phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi chuyên môn của mình. Một số công tác chuẩn bị đó là thành lập các tổ trực phòng chống sự cố cây xanh cả trong giờ hành chính lẫn ngoài giờ và đặt tại nhiều địa điểm khác nhau; lên phương án và phân công trực 24/24 giờ đối với các phương tiện chuyên dùng như xe cẩu, xe thang, cưa máy, cưa tay, các loại dây, biển báo, máy phát điện…
- Còn công tác mé nhánh khô, xử lý cây bị sâu bệnh để ngăn chặn nguy cơ nhánh cây rơi gãy, gây nguy hiểm cho người đi đường ra sao, thưa ông?
Trong số gần 100.000 cây xanh đường phố được giao cho Công ty CVCX quản lý, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chăm sóc, mé nhánh xấp xỉ 90.000 cây các loại, phân bổ trên 683 tuyến đường khắp thành phố. Công ty cũng đã đốn một số cây mục, cây bị sâu bệnh hoặc già cỗi, chẳng hạn như một số cây me tây trên đường Nguyễn Văn Cừ, cây lim sẹt trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cây giá tỵ trên đường Kỳ Đồng… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát hệ thống cây xanh để chủ động phát hiện những cây bị nghiêng, khô nhánh… Tăng cường công tác chăm sóc thường xuyên cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật như chống, sửa cây nghiêng, cắt nhánh khô, mé gọn tán không để nhánh xụ, nhánh nặng tàn…
- Theo ông, trong công tác chăm sóc, bảo quản hệ thống cây xanh, điều gì quan trọng nhất để hạn chế sự cố về cây xanh trên đường phố?
Chúng tôi cho rằng đẩy mạnh khâu chăm sóc cây xanh và tăng cường tuần tra kiểm soát là yếu tố hàng đầu giúp giảm thiểu tối đa các sự cố về cây xanh trên đường phố. Ngoài ra, những kinh nghiệm thực tiễn được rút ra trong nhiều năm qua cũng có vai trò quan trọng không kém. Chẳng hạn, nắm rõ được các nguyên nhân, đặc điểm dẫn đến sự cố cây ngã đổ hoặc nhánh gãy sẽ giúp đơn vị quản lý chủ động hơn rất nhiều. Ví dụ như về thời gian, các sự cố cây xanh đường phố chủ yếu xảy ra trong mùa mưa, lưu ý các cơn dông vào thời điểm các tháng trước và sau mùa mưa. Về địa điểm, sự cố thường xảy ra ở bến sông, bến cảng, ven sông - kênh - rạch, các khoảng không giao lộ, vòng xoay, các tòa nhà cao tầng. Loại cây dễ xảy ra sự cố là cây có hệ thống rễ ăn ngang; đặc tính cơ lý của thân, cành, nhánh cây giòn, dễ gãy như cây bã đậu, bàng, trứng cá, bạch đàn hoặc đặc tính tự rụng cành như sao, dầu…
- Với đặc thù thành phố có rất nhiều cây xanh cao lớn, xum xuê; theo ông việc xử lý sự cố những cây xanh này gặp khó khăn gì một khi xảy ra và đâu là giải pháp tháo gỡ?
Trong số gần 100.000 cây xanh đường phố do công ty quản lý, có khoảng 30.000 cây là cây xanh loại 3, tức có chiều cao trên 20m và với đặc thù mật độ dân cư đông đúc như hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc xử lý một khi xảy ra sự cố cây nghiêng ngả, đè vào nhà dân hoặc công trình kiến trúc. Còn nhớ năm 2012, sau khi bão số 1 đổ bộ vào thành phố, dù được hỗ trợ phương tiện của các ngành liên quan nhưng công tác xử lý cây xanh ngã đổ lúc bấy giờ vẫn gặp khó khăn, thậm chí không thể giải tỏa cây xanh bị nghiêng, đè vào nhà dân vì thiếu xe thang chuyên dùng (dài 24m) để giải quyết sự cố xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi. Vì thế vừa mất thời gian xử lý vừa gây nguy hiểm cho người dân ở khu vực cây gãy đổ mà còn vô tình gây ngộ nhận từ người dân về thái độ phục vụ của cơ quan chức năng trong quá trình xử lý sự cố. Hiện nay, công ty chỉ có 2 xe thang dài 24m, chúng tôi cho rằng sẽ thuận tiện hơn nếu được thành phố đầu tư thêm 2 xe nữa để bố trí sẵn tại các địa bàn trọng điểm.
- Xin cảm ơn ông!
THIỆN NHÂN (thực hiện)