Trên 5.000 dự án đầu tư có nguồn vốn ngân sách tại TPHCM

Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng

Hiện nay, TP có trên 5.000 dự án đầu tư có nguồn gốc vốn ngân sách. Vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm là thời gian qua các dự án này hoạt động và được giám sát ra sao để phòng chống lãng phí và tham nhũng? Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết thêm một số thông tin đáng chú ý.
Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng

Hiện nay, TP có trên 5.000 dự án đầu tư có nguồn gốc vốn ngân sách. Vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm là thời gian qua các dự án này hoạt động và được giám sát ra sao để phòng chống lãng phí và tham nhũng? Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết thêm một số thông tin đáng chú ý.

5.177 dự án đầu tư đang thực hiện

Báo cáo đánh giá tổng hợp tình hình giám sát đầu tư trên địa bàn TP của UBND TPHCM cho thấy, năm 2006, tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội trên địa bàn được thông qua là 62.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách TP là 12.500 tỷ đồng. Kết quả thực hiện trên thực tế đạt 62.900 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2005, thực hiện vốn đầu tư ngân sách tập trung đạt 11.529 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.

Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng ảnh 1

Cầu Tân Thuận 2 được xây dựng từ ngân sách TPHCM tạo điều kiện phát triển giao thông về phía Nam thành phố. Ảnh: Đức Thành

Qua tổng hợp báo cáo của các sở ngành, quận huyện, tổng công ty, ban quản lý dự án, năm 2006 đã có 3.365 dự án thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, chiếm 65% so với tổng số 5.177 dự án đầu tư đang được thực hiện.

Như vậy so với năm 2005, chỉ có 45,86% dự án được giám sát đánh giá, thì đây là một nỗ lực lớn, tăng thêm 2.200 dự án.

Trong năm 2006, Sở Kế hoạch - Đầu tư trực tiếp thực hiện công tác giám sát đánh giá 135 dự án, Sở Giao thông Công chính đánh giá 408 dự án, Sở Công nghiệp 32 dự án, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn 18 dự án, các quận 2 (78 dự án), quận 6 (54 dự án), quận 12 (116 dự án), Cần Giờ (117 dự án).

Nguồn vốn ngân sách tập trung cho các công trình chuyển tiếp là 3.442 tỷ đồng (421 dự án), công trình khởi công mới 1.704 tỷ đồng (257 dự án), công tác chuẩn bị thực hiện dự án 1.623 tỷ đồng (145 dự án), công tác quy hoạch 92,4 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư 24 tỷ đồng (82 dự án), phân cấp cho các quận huyện 996 tỷ đồng, bù lãi vay kích cầu 120 tỷ đồng, các khoản chi khác 1.215,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá, thời gian qua đã thực hiện theo hướng huy động nguồn vốn đến đâu thì bố trí kế hoạch đến đó, theo khả năng thực hiện của dự án. Riêng với các dự án khởi công mới và chuyển tiếp trong năm 2006, TP đã tuân thủ nghiêm ngặt việc trình HĐND TP xem xét, chấp thuận trước khi giao kế hoạch.

Điểm nổi bật trong năm qua chính là trong điều hành công tác đầu tư xây dựng, ngay trong những tháng đầu quý 4-2006, TP đã chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ tình hình thực hiện thực tế để cắt giảm vốn kế hoạch đối với các công trình, dự án không có khả năng thực hiện, khoảng 15 công trình, dự án với kinh phí trên 67 tỷ đồng. Đồng thời, qua đó cũng đã điều tiết và bổ sung cho các dự án có khả năng sử dụng vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành các công trình để đưa vào sử dụng.

Tăng cường vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tín cũng thừa nhận, tuy có chuyển biến nhưng tình hình giám sát đầu tư chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc theo quy định hoặc chưa đạt yêu cầu mà công tác giám sát đề ra.

Trong đó, chưa có đề xuất những thay đổi cơ chế chính sách quy định của nhà nước một cách cụ thể và chưa có biện pháp khắc phục; còn nhiều đơn vị chưa có kế hoạch triển khai công tác giám sát cộng đồng để tiến hành thực hiện trong năm 2007, theo Chỉ thị số 34/2006/CT-UBND về tổ chức thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý nhất là một số công trình cầu, đường giao thông, cấp thoát nước, trường học… do thiếu sót trong quá trình lập dự án, khảo sát thực địa chưa kỹ, tư vấn lập thiết kế dự toán không đạt yêu cầu. Một số trường hợp còn tùy tiện trong công tác thi công xây dựng và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện như tăng vốn, thay đổi thiết kế, bổ sung hạng mục… Vì vậy đã làm giảm hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, trong 135 dự án thuộc phạm vi thẩm quyền trực tiếp đánh giá của Sở KH-ĐT, qua thực tế khảo sát cho thấy, có khoảng 85% số dự án thực hiện không đúng tiến độ, nhiều dự án được quyết định đầu tư từ năm 2000, 2001, 2002 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Có một số dự án từ trước năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán xong mà phải điều chỉnh dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Tình trạng một số ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông công chính, cấp thoát nước, đang quản lý nhiều dự án nhưng tiến độ triển khai thực hiện chậm, phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, phát sinh chi phí lớn, công trình chậm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo, số dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2006 là 632 dự án, đạt khoảng 14% trong tổng số các dự án đang thực hiện. Và cũng có trên 630 dự án đang hoàn thành các công đoạn cuối để có thể hoàn thành vào đầu năm nay. Như vậy, số lượng các dự án chuyển tiếp sang năm 2007, cùng với các dự án theo kế hoạch sẽ khởi công trong năm nay có nhu cầu vốn đầu tư cao hơn năm 2006.

Điều đó, càng cần thiết phải có sự tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, nhất là tăng cường vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm ngăn chặn những việc làm sai quy định, chất lượng xây dựng thấp, gây lãng phí và thất thoát vốn cũng như tài sản của nhà nước, xâm hại lợi ích cộng đồng… 

THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục