Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vừa mới ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15-3-2016 tới đây, quy định bắt buộc tăng cường các vi chất dinh dưỡng (VCDD) vào thực phẩm. Đây là vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm và đề nghị cung cấp thông tin cụ thể.
Theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP, VCDD là các vitamin, chất khoáng hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người.
Hàm lượng các VCDD có trong thực phẩm luôn là tiêu chí mà người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua thực phẩm. Tuy nhiên, do hàm lượng các VCDD có trong thực phẩm tiêu dùng vẫn chưa cao, nên ở nước ta nhiều người dân vẫn thiếu các VCDD thiết yếu. Trong đó, đáng báo động nhất là thiếu 4 VCDD iốt, vitamin A, sắt, kẽm, tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn và miền núi khó khăn.
Nghị định 09/2016 quy định rõ 3 thực phẩm sau đây bắt buộc phải tăng cường VCDD tương ứng: muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp. Việc bắt buộc tăng cường 4 VCDD này trong thực phẩm nhằm phòng, chống một số bệnh về bướu cổ, đần độn, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, chống một số rối loạn chuyển hóa, chống khô mắt, chống mù lòa... Người tiêu dùng cần lưu ý chọn những thực phẩm đảm bảo đã được tăng cường đủ VCDD thiết yếu cho cơ thể để tránh những bệnh lý nguy hiểm. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh VCDD, thực phẩm cần cập nhật, điều chỉnh chiến lược kinh doanh hợp lý. Đảm bảo thực phẩm sản xuất phải được tăng cường hàm lượng VCDD tối thiểu cho phù hợp quy định của pháp luật.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan law Vietnam)