Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu, bù đắp trượt giá, đảm bảo thu nhập cho người lao động hóa ra chưa phải điều vui! Người lao động và doanh nghiệp chưa nhìn thấy cái lợi từ lương vì giá cả cứ tăng không ngừng nghỉ…
- Mừng ít, lo nhiều
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011, Chính phủ khẳng định sẽ giữ mức lạm phát năm 2011 ở mức 15%-17% và hạ xuống mức một con số vào năm 2012. Đây là quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, tuy nhiên doanh nghiệp và người lao động còn hồi hộp và lo lắng.
Trong tình thế lạm phát ở mức 15%-17% như hiện nay, cả doanh nghiệp (DN) và người lao động đã có quá nhiều mối lo. Nhiều DN chia sẻ, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu, mới nghe qua như người lao động được lợi.
Thế nhưng thực tế, việc này đã nảy sinh thêm nhiều mối lo cho cả DN và người lao động. Hiểu cho đúng thì đây không phải được tăng lương mà chỉ nhằm điều chỉnh tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, nghe tăng lương thì nhiều chủ nhà trọ cũng rục rịch tăng giá thuê phòng. Tại TPHCM, dù có nhiều chủ nhà trọ cam kết đồng hành cùng người lao động, không tăng giá thuê phòng nhưng đây chỉ có một số điểm sáng điển hình, công nhân rất mong sẽ có thêm nhiều chủ trà trọ hiểu khó khăn chung, không tăng giá phòng nữa.
Trong khi công nhân, người lao động đang vật lộn với bài toán chi tiêu cho cơm áo, phí sinh hoạt hàng ngày thì DN cũng lo không kém. Với DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sự lo lắng thấy rõ nhất. Các DN này cho biết, nếu trả lương cho lao động đúng theo quy định của nhà nước thì chẳng thu hút được công nhân đến làm việc với mình. Thực tế, để giữ được người lao động, hầu hết các DN sản xuất dệt may, da giày trong nước đều có chính sách tiền lương cao hơn cho người lao động. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể đảm bảo cuộc sống của người lao động trước biến động của giá cả thị trường. Từ đầu năm đến nay, trước biến động của giá cả, ngoài mức lương trả theo quy định, nhiều DN phải tăng lương cho công nhân bằng hình thức hỗ trợ tiền chuyên cần và tiền thuê nhà trọ.
Một DN dệt may lớn có khoảng 3.000 lao động tại quận Thủ Đức (TPHCM) đưa ra phép tính, ngoài mức lương cơ bản, DN hỗ trợ mỗi lao động 300.000 đồng/tháng tiền chuyên cần, thêm 100.000 đồng/tháng tiền thuê nhà. Hỗ trợ 400.000 đồng/tháng/người, DN đã mất thêm 1,2 tỷ đồng/tháng, tính cho cả năm cũng khoảng 14 tỷ đồng. Đây quả là con số không nhỏ so với lợi nhuận đặt ra của một DN trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng đồng nghĩa với việc DN phải tăng thêm khoản phí không nhỏ cho các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Trong khi đó, DN trong nước lại khác với DN FDI ở chỗ, DN trong nước phải đóng 2% phí công đoàn, DN FDI chỉ đóng 1%.
Điều an ủi cho DN dệt may, da giày lúc này là đơn hàng sản xuất, xuất khẩu vẫn đảm bảo. Đây là cơ sở vững chắc để cả DN và người lao động cùng cố gắng vượt qua. DN hy vọng, mức lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 15%-17%, nếu tình hình xấu đi, lạm phát vượt qua ngưỡng trên thì khó chồng thêm khó cho DN, người lao động.
- Về quê tránh tăng giá
Ngành dệt may, da giày thường gặp biến động, thiếu hụt lao động ở thời điểm đầu năm. Vào thời điểm cuối năm ít có chuyện lao động nghỉ việc vì tâm lý người lao động muốn làm luôn vài tháng nữa để được hưởng lương thưởng cuối năm vì nếu nghỉ sẽ mất đi khoản này. Nhưng hiện nay, tại nhiều DN đã có dấu hiệu công nhân nghỉ việc vì làm không đủ chi tiêu. Nhiều công nhân phải tính đường về quê tránh tăng giá.
Chị Trần Thị Lành, công nhân Công ty May M.L cho biết, so với mức lương 2 triệu đồng/tháng của năm ngoái, số tiền 2,9 đồng/tháng của năm nay dù đã dè sẻn, tiết kiệm nhưng vẫn không đủ. Công ty ở quận Gò Vấp nhưng để thuê phòng giá rẻ hơn, vợ chồng chị phải xuống tận quận 12, gần Lái Thiêu (Bình Dương) để trọ. Dù với mức thuê 700.000 đồng/phòng/tháng được xem rẻ hơn rất nhiều so với mức thuê ở các quận khác, nhưng đổi lại phải mất chi phí tiền xe buýt đi lại mỗi ngày 2 lượt, mất 4 chặng. Mới đây chủ nhà trọ đòi tăng tiền trọ lên 900.000 đồng/tháng, vợ chồng chị đã tính chuyện về quê vì không thể trụ được khi đồng lương làm ra không đủ chi phí cho cuộc sống bình dân nhất.
Với mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng hiện nay, người lao động khó gói ghém được cho cuộc sống khi giá cả cứ tăng vùn vụt theo thời gian. Những gia đình công nhân, có con nhỏ đa số chọn giải pháp gởi con về quê cho ông bà trông giúp. Vì chưa kể tiền mua sữa, ăn uống cho con, tiền gởi trông trẻ mức thấp nhất hiện nay cũng mất 800.000 đồng/tháng.
MỸ HẠNH