Dù các cơ quan hành chính đã trở lại làm việc bình thường sau Tết Đinh Dậu, thế nhưng nhiều người bất ngờ khi ăn tô hủ tiếu “Nhân quán” với giá 80.000 đồng, hộp bánh cuốn Hải Nam giá 55.000 đồng… tăng khoảng 50% so với giá ngày thường. Nhiều hóa đơn nhà hàng cũng tự ý tính thêm phụ thu, tăng giá 20% so với ngày thường. Đặc biệt, các cửa hàng ăn uống ở miền Bắc có nơi tăng giá từ 100% - 200% so với ngày thường.
Lấy lý do ngày tết phải trả lương nhân viên cao hơn nên mạnh ai nấy tăng giá. Hầu như quán ăn lớn nhỏ nào của người Việt cũng tăng giá, dù là quán gia đình, không thuê nhân viên cũng đua theo tăng giá. Mặc dù công lao động cấu thành không đáng kể trong giá thành sản phẩm bán ra, nhưng cứ “tết mà” và dựa vào đó để tăng giá. Mỗi nơi tăng một kiểu, tùy vào… lương tâm chủ quán!
Điều đáng nói là dịch vụ các ngày tết kém hơn so với thông thường, nhân viên thiếu, hàng hóa không đầy đủ… Các chủ cửa hàng luôn miệng “xin quý khách thông cảm”, thế nhưng khi thu tiền thì… tăng giá!
Tan ca, một nhóm viên chức thay vì đến các tiệm cơm văn phòng như thường lệ thì lại cảnh báo nhau đừng ăn ở các quán đó để khỏi bị chặt chém. Họ rủ nhau đến các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (fast food), các quầy bánh ngọt để được mua hàng đúng giá. Chúng tôi đã khảo sát một vòng thì đúng như thế, hầu hết các chuỗi cửa hàng thực phẩm của nước ngoài bán không tăng giá.
Điều đó cho thấy, trong lúc các chủ Việt Nam lo tham lợi trong vài ngày tết khiến khách e ngại, thì hầu hết các chuỗi cửa hàng, hệ thống bán lẻ của các tập đoàn nước ngoài vẫn mở cửa kinh doanh bình thường, bán giá không đổi. Nhân viên tuy có thiếu, nhưng các cửa hàng vẫn đảm bảo phục vụ không để khách đợi lâu. Còn ngược lại, khách hàng chưa dám đến các cửa hàng tăng giá vì không biết khi nào các cửa hàng, quán ăn của người Việt mới… hết tết, để quay về giá cũ.
Rõ ràng, cạnh tranh là sự so sánh. Lễ tết chính là thời điểm thể hiện sự so sánh rõ nét nhất. Nếu những chủ cửa hàng không từ bỏ thói quen kinh doanh tăng giá dịp tết thì sẽ dễ làm vuột mất khách hàng.
Nếu cứ để lễ, tết, khách lại nơm nớp lo bị “chặt chém”, nâng giá thì khi hội nhập toàn cầu hóa, các tập đoàn nước ngoài được dịp “lấy điểm” trên thị trường!
HÀN NI