Tăng kết nối để dân giúp dân

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. TPHCM đã trải qua 2 tháng thực hiện giãn cách. Nhiều người đã không đi làm trong một thời gian nên không có thu nhập, tích lũy cũng cạn dần. Đời sống nhiều người dân, nhất là đối với những người lao động tự do và sống trong cảnh ăn đong hàng ngày, giờ đây càng thiếu thốn.

Chính phủ, chính quyền TPHCM đã có nhiều nỗ lực chăm lo, hỗ trợ giúp người dân an tâm “ai ở đâu thì ở đó”. Trong đó, TPHCM là nơi thực hiện hỗ trợ (lần 1) sớm và xong trong tháng 7-2021. Tiếp đó, trong 5 ngày (từ ngày 6 đến ngày 10-8), TPHCM tập trung triển khai gói hỗ trợ (lần 2) quy mô gần 900 tỷ đồng. TPHCM cũng mở ra nhiều kênh để tiếp cận thông tin, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn


Những nỗ lực của TPHCM là rất lớn, rất trân trọng. Song, giãn cách kéo dài, tích lũy của người dân cạn dần, nhất là người nghèo đã tạo ra sức ép lên đời sống người dân. Thách thức lớn hiện nay là làm sao phát hiện được nhu cầu cần giúp đỡ của người dân khắp các nơi ở thành phố và mang tới hỗ trợ từng người kịp thời.

Mặt khác, các gói hỗ trợ chính thức, dù có nỗ lực tới đâu cũng khó có thể đáp ứng hết các trường hợp hiện tại. Đó là chưa nói tới con số càng tăng lên theo tỷ lệ thuận với thời gian giãn cách kéo dài. Nếu không có hướng đi mới, phương pháp mới, tình hình sẽ vô cùng phức tạp.

Có một kênh hỗ trợ rất quan trọng, sát sườn với từng người và vốn là truyền thống dân tộc ngàn năm nay cần được khai thông mạnh mẽ hơn. Đó là “lá lành đùm lá rách”, người dân trực tiếp chăm lo cho người dân. TPHCM đã phát huy tốt nguồn lực cộng đồng trong thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay càng là lúc chính quyền thành phố khơi thông mọi cản trở để thúc đẩy sự phát triển, kết nối từ trái tim tới trái tim một cách trực diện, thực tế nhất. Cách làm cũng không quá phức tạp. 

TPHCM đã có Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 cấp thành phố. Giờ đây rất cần thiết lập thêm hai cấp ở quận và phường, để điều phối nguồn lực ngoài ngân sách. Các trung tâm nên chú trọng tiếp nhận thông tin, kết nối giữa người cần và người có, người khó và người có - giữa những người khó khăn có nhu cầu giúp đỡ với những người dân có khả năng, nhu cầu đóng góp hỗ trợ. 

Về cách làm, các trung tâm của ba cấp cần mở các kênh thông tin đa dạng qua mạng xã hội (như zalo khá phổ biến), mời cư dân trong từng khu vực (tổ dân phố, các phường) - phương pháp này không quá khó, vì các nhà mạng có thể thống kê theo địa phận và gửi tin nhắn mời tham gia).

Ba cấp này đều có thể sử dụng tình nguyện viên làm việc online. Hiện nay, số tình nguyện viên đăng ký tại Sở Y tế TPHCM có xấp xỉ 1.000 người ở khắp các quận, huyện, nhưng chưa được sắp xếp công việc - để nhập dữ liệu, cập nhật, ráp nối nhu cầu của người cần với mong muốn hỗ trợ của người có.

Ví dụ: Phường A có 300 trường hợp cần hỗ trợ về lương thực thực phẩm, UBND phường A có thông báo tới toàn phường, trong đó nêu rõ từng tổ dân phố có bao nhiêu hộ dân, cần hỗ trợ những gì, đề nghị cư dân trong từng tổ dân phố hỗ trợ.

Các tình nguyện viên có thể trực tiếp kết nối với cả hai bên - người cần giúp và người muốn giúp - để thống nhất cách làm, đảm bảo giãn cách. Với các trường hợp cần người vận chuyển, tình nguyện viên cả ngàn người đã luôn sẵn sàng.

Với các phường, xã hay quận, huyện cần hỗ trợ liên tuyến, các trung tâm từ phường, xã liên thông dữ liệu với quận, huyện để điều phối trong phạm vi quận, huyện. Cao hơn nữa thì có trung tâm điều phối của thành phố.

Các trung tâm này cũng có thể kết nối với các tổ chức thiện nguyện có tổ chức theo nhóm, hội hiện đang hoạt động trên khắp TPHCM để nắm thông tin, kết hợp hiệu quả nhất nguồn lực giúp người khó khăn, tránh trùng lặp, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục