Sáng 4-11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Đa số đại biểu (ĐB) đều tán đồng với việc cần thiết phải tăng thuế TTĐB với thuốc lá nhưng cho rằng, đi kèm với đó là cần có các giải pháp chống buôn lậu hiệu quả.
Tăng mạnh thuế với thuốc lá là cần thiết
Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người nghiện thuốc lá cao nhất thế giới do giá thấp, dễ mua dù Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, để ngăn ngừa tác hại của việc dùng thuốc lá, ĐB Huỳnh Minh Thiện đề nghị cần tăng mạnh thuế suất. Đó là thay vì đề xuất của Chính phủ từ 1-1-2016 tăng thuế TTĐB với thuốc lá lên 70% thì cần tăng lên 75% và từ 1-1-2018 tăng lên 100%. Bởi kinh nghiệm Thái Lan đã cho thấy khi tăng thuế suất 300% trong vòng 20 năm sẽ giảm 2% số người nghiện; Philippines tăng thuế gấp 1,5 lần thì số người nghiện thuốc giảm từ 38% xuống còn 25%. So sánh thuế thuốc lá Việt Nam chỉ khoảng 41%, trong khi Thái Lan 70%, Malaysia 46%, Indonesia 59%, Pháp 80%... ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề nghị tăng thuế như đóng góp của Ủy ban các vấn đề xã hội. Đó là năm 2015 thuế từ 65% lên 80%, tăng lên 105% vào năm 2018 và lên 125% vào năm 2020.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn, với thuốc lá, tăng thuế TTĐB là xu hướng đúng, nhưng nếu tăng thuế mà không kèm theo kiểm soát nhập lậu thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách và không đạt mục đích hạn chế tiêu dùng. Về vấn đề này, theo ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, lý do tăng thuế mạnh sẽ làm cho buôn lậu gia tăng là không hợp lý. Bởi 5 năm trở lại đây, buôn lậu mặt hàng này vẫn tăng mạnh, từ 750 triệu bao lên 1 tỷ bao. Do vậy, cùng với tăng thuế là cần đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu. Mặt khác, nếu tăng thuế thấp như đề xuất của Chính phủ thì thời gian tới khi thu nhập của người dân tăng lên thì mức tăng thuế đó coi như… không tăng.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) phát biểu tại tổ. Ảnh: LÃ ANH
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, cần phải đánh thuế TTĐB mạnh với thuốc lá, “75% hay 200% cũng được” vì hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân chứ không phải tăng thu ngân sách. Dẫn số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam là khi in hình cảnh báo trên bao thuốc, tiêu thụ giảm 2% trong khi thuốc lá lậu tràn lan, theo ĐB Trần Du Lịch, cần có đề án tăng cường chống buôn lậu. ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cũng cho rằng, thuế tăng lên thì phải quản lý thật tốt tình hình buôn lậu diễn ra cả nước. Chúng ta phải có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp bị giảm sản lượng và quản lý được các nhà phân phối.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) phát biểu tại tổ.
Liên quan đến việc đánh thuế nước ngọt có ga, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, ĐB Huỳnh Thành Lập đều cho rằng, nước ngọt có ga gây nguy cơ béo phì, tiểu đường… Do vậy, trong lần sửa luật lần này, Chính phủ, Quốc hội nên đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế để cảnh báo. Bởi không thể để khi tình hình đến mức báo động mới đánh thuế.
Không nên xóa nợ thuế
Đa số ĐB đoàn ĐB Quốc hội TPHCM đều cho rằng, không nên xóa nợ cho các doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ. Bởi lẽ, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, nếu xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt và lệch mục tiêu đề ra. Việc xóa nợ nếu thực hiện là sự bất hợp lý vì chỉ thu thuế người nghiêm chỉnh, còn người không kiểm soát được thì xóa. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, cũng cho rằng, với những doanh nghiệp không thu được thuế thì dù xóa, giảm cũng vậy nhưng nếu chính thức xóa thì lại gây tác động đến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Do đó, không nên xóa nợ. ĐB Lê Trọng Sang đề nghị, “để tránh lợi cho ông cố tình nợ” thì trong hàng chục ngàn doanh nghiệp nợ đó cần có sự phân tích những doanh nghiệp nào liên tục nộp thuế nhưng do khó khăn, tác động khách quan không nộp được thì mới xóa. Không nên cào bằng với cả những doanh nghiệp chây ỳ như đã từng xảy ra với doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, ĐB Vương Đình Huệ (Bình Định), Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng việc xóa tiền chậm nộp thuế phải cân nhắc. “Theo tôi không nên xóa mà giảm tỷ lệ nộp phạt xuống. Nếu doanh nghiệp khó khăn thì cho phép “treo” khoản thuế, còn nộp khoản nộp chậm. Chứ bây giờ tự nhiên xóa thì ai hưởng, nợ đọng thuế chủ yếu là kinh doanh bất động sản. Tiền rất lớn mà xóa hết thì đối tượng nào hưởng lợi ở đây?”, ĐB Vương Đình Huệ nói. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng băn khoăn, xóa nợ thuế là “cái lệ” khiến sau này doanh nghiệp dựa vào các “lý do này nọ” để không nộp thuế, tạo gánh nặng cho đất nước.
NGỌC QUANG - BẢO VÂN