Tăng mức vay cho công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn

Quyết định 18/2014 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định 62/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vừa được ban hành đã tăng mức tín dụng cho các công trình nước sạch tại nông thôn.

(SGGP).- Quyết định 18/2014 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định 62/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vừa được ban hành đã tăng mức tín dụng cho các công trình nước sạch tại nông thôn.

Cụ thể, các hộ gia đình ở nông thôn có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường có thể vay tới 6 triệu đồng/hộ (trước đây là 4 triệu đồng/hộ) cho mỗi loại công trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Quyết định 18 cũng quy định thêm đối tượng được hưởng tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Cụ thể, ngoài các hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh, Quyết định 18 cũng quy định các hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không còn đảm bảo vệ sinh và tiêu chuẩn theo quy định; các hộ có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận. Trong thời gian chưa trả hết nợ, hộ dân không được tự động bán, chuyển nhượng, cầm cố công trình cho người khác. Trường hợp các hộ dân bán, chuyển nhượng nhà, đất có chung hoặc có riêng các công trình này thì phải có cam kết trả nợ (gốc và lãi), được UBND xã và Ngân hàng Chính sách xã hội xác nhận với nguyên tắc người bán phải trả được nợ. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1-5-2014.

MINH HUY

TPHCM đăng ký vay 763 triệu USD để chống ngập

(SGGP).- UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM” vào danh mục các dự án vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2015 - 2017. Theo đó, TP đăng ký vay 763 triệu USD từ ngân hàng này để xây dựng nhiều hạng mục chống ngập nước như cống ngăn triều, cống thu gom nước mưa, nước thải… Cụ thể, quy mô của dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM” gồm các hạng mục: xây dựng cống ngăn triều kết hợp âu thuyền tại cửa sông Vàm Thuật, rạch Nước Lên; nạo vét và gia cố bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bằng cừ bê tông dự ứng lực; xây dựng hệ thống thu gom chung nước mưa, nước thải cho lưu vực quận Gò Vấp; cải tạo các kênh nhánh nối với kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ở quận Tân Bình và Gò Vấp… Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. UBND TP cũng cho biết, vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hiện TPHCM xuất hiện tình trạng ngập úng khi mưa to kết hợp triều cường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân. Do đó, TP muốn đăng ký vay số vốn trên để thực hiện công tác chống ngập.

BÌNH KHÔI

Hỗ trợ di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực bị sạt lở

(SGGP).- UBND TPHCM vừa phê duyệt phương án di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống tại khu vực bị sạt lở (đoạn bờ sông Nhà Bè) thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao thuộc các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông, quận 12, TPHCM. Theo đó, các hộ được bố trí một nền đất làm nhà ở; được hỗ trợ kinh phí di dời 20 triệu đồng/hộ, kinh phí khắc phục thiên tai 20 triệu đồng/hộ và kinh phí thuê nhà tạm cư. Riêng các hộ thuộc huyện Cần Giờ còn được hỗ trợ thêm kinh phí trợ giúp cứu đói 30kg gạo/người/tháng.

HUY ANH

Tin cùng chuyên mục