Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nâng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), quy định mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cố định đối với cơ sở sản xuất thủy điện 20 đồng/kWh, cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 40 đồng/m3, hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế, không đảm bảo thu nhập và không tạo động lực khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Bộ NN-PTNT đề xuất chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh. Ảnh: PHƯƠNG HÀ
Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã đề xuất điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3. Cụ thể, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kWh điện thương phẩm. Sản lượng điện để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng điện của các cơ sở sản xuất thủy điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện. Quý IV hàng năm, Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát giá bán điện, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng hoặc giảm trên 20%, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Sản lượng nước để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng nước của các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch bán cho người tiêu dùng. Quý IV hàng năm, Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát giá bán nước sạch, khi giá bán nước sạch bình quân tăng hoặc giảm trên 20%, trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo Bộ NN-PTNT, việc điều chỉnh trên nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng và phù hợp với tình hình biến động giá hiện nay, dựa trên quan điểm giữ nguyên tỷ trọng tiền dịch vụ môi trường rừng trong giá điện, giá nước sạch; chỉ điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo tỷ lệ tăng giá điện, giá nước sạch tương ứng.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị trích một phần kinh phí không quá 5% so với tổng số tiền ủy thác chuyển về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, cộng với các nguồn kinh phí hợp pháp khác để dự phòng, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn và hụt thu. Theo đó, đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng vượt quá 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng, cho phép UBND cấp tỉnh xem xét điều tiết cho những diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng có mức chi trả thấp hơn mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng. Số tiền còn lại để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được sử dụng cho 2 trường hợp: Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư, thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp thì được hưởng toàn bộ số tiền trên. Còn đối với các chủ rừng là tổ chức, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật, được coi là nguồn thu của chủ rừng; chủ rừng được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức.
Trường hợp có thực hiện khoán bảo vệ rừng thì được sử dụng 10% số tiền trên để thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá chất lượng, số lượng rừng để thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm và tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Số tiền còn lại (90%) được dùng để chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
HÀ PHƯƠNG