Tăng sản lượng nước nguồn, giảm đầu tư công

Thu hẹp khu vực sử dụng nước ngầm
Tăng sản lượng nước nguồn, giảm đầu tư công

Thực hiện Nghị quyết 38 - Theo chân những người cấp nước

Thực hiện chỉ tiêu trong năm 2014, 100% hộ dân đô thị phải được sử dụng nước sạch; 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh theo Nghị quyết 38 của HĐND TPHCM khóa VIII, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn không ngừng đầu tư phát triển nguồn nước. Đáng ghi nhận, dấu ấn trong những năm qua là nhiều dự án nhà máy nước được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nghĩa là tăng sản lượng nước cung cấp cho dân nhưng giảm đầu tư từ ngân sách.

Tăng tốc…

Có mặt tại công trình xây dựng dự án mở rộng Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn 3 (Nhà máy Nước Thủ Đức 3) tọa lạc trong khuôn viên Nhà máy Nước Thủ Đức (số 2 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), dù trời nắng như đổ lửa nhưng cả trăm công nhân vẫn lao động miệt mài trên công trình. Chiếc xe cẩu liên tục vận hành để vận chuyển vật tư.

Thông tin từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, khởi công từ tháng 4-2013, đến nay công trình này đã hoàn tất 90% xây dựng. Các đơn vị đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Nhà máy nước này có công suất phát nước 300.000m³/ngày. Tuy nhiên, theo kế hoạch, trước Tết năm 2015 dự án sẽ hoàn tất, đưa vào vận hành và phát nước công suất 150.000m³/ngày để hòa vào mạng lưới cấp nước của TP. Bắt đầu từ năm 2016, Nhà máy sẽ phát tối đa công suất 300.000m³/ngày. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa do Công ty CP đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) làm chủ đầu tư. SWIC được thành lập vào năm 2010 bởi các cổ đông gồm: Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn góp 60% vốn; Công ty CP Cơ điện Lạnh (REE) góp 30% và Công ty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước (Waseco) góp 10% vốn điều lệ.  Trước đó vào tháng 11-2012, SWIC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng) với Công ty Passavant Roediger (Đức) và Tổng công ty Xây dựng số 1 để xây dựng nhà máy nước này. Trong tổng vốn 1.200 tỉ đồng, chủ đầu tư sẽ vay 66,5% vốn từ Ngân hàng Commerzbank - Akabank (Đức) và 21% vốn vay từ Vietinbank, 12,5% vốn còn lại là vốn của SWIC.

Cùng với đó, dự kiến tuần tới, dự án Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 (công suất 300.000m³/ngày) cũng sẽ được khởi công. Tương tự dự án Nhà máy Nước Thủ Đức 3, dự án Nhà máy nước Tân Hiệp 2 cũng sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với sự góp vốn của các bên: Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) và Công ty CP Cơ điện lạnh (REE). Trong đó, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đại diện liên doanh) chịu trách nhiệm chính đối với dự án này. Công trình này sẽ bao gồm tuyến ống nước thô D 1.500 được xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn. Vị trí xây dựng nhà máy trong khuôn viên Nhà máy Nước Tân Hiệp hiện hữu (số 65 Hương lộ 65B, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM). Tổng mức đầu tư dự án này là 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của những cổ đông nói trên và vốn vay từ ngân hàng Vietinbank. Dự kiến, dự án này sẽ vận hành phát nước vào năm 2016. 

Như vậy, tổng công suất cấp nước do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sản xuất và mua sỉ đến cuối năm 2013 đạt 1.750.000m³/ngày, trong đó: Từ nguồn nước mặt: 1.600.000m³/ngày. Từ nguồn nước ngầm: 150.000m³/ngày. Trong kế hoạch phát triển nguồn cấp nước, Sawaco dự kiến đến năm 2015 sẽ nâng công suất lên 2,4 triệu m³/ngày và đến năm 2025 đạt công suất 3,4 triệu m³/ngày. 

Kiểm tra chất lượng nước đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng trước khi cung cấp phục vụ người dân tại Nhà máy Nước Thủ Đức

Thu hẹp khu vực sử dụng nước ngầm

Song song với kế hoạch phát triển các nhà máy nước, Sawaco cũng đã có kế hoạch giảm dần sản lượng khai thác nước ngầm. Cụ thể, năm 2013, Tổng Công ty đã ngưng hoạt động Trạm giếng nước ngầm Gò Vấp (công suất 10.000m³/ngày) và Trạm giếng Bà Huyện Thanh Quan quận 3 (công suất 1.200m³/ngày), chỉ vận hành bảo trì làm nguồn nước dự phòng của thành phố.

Riêng năm 2014, Tổng Công ty (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) đầu tư xây dựng mới 6 trạm cấp nước và nâng cấp mở rộng 7 trạm cấp nước với công suất khai thác 13.800 m³/ngày tại các Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Tổng Công ty cũng đã đưa Nhà máy Nước ngầm Bình Hưng công suất 15.000m³/ngày và trạm giếng Phạm Thế Hiển công suất 800m³/ngày làm nguồn nước dự phòng; ngưng hoạt động các trạm cấp nước của Trung tâm nước trên địa bàn quận 8 (7 trạm), quận Tân Phú (1 trạm).

Theo kế hoạch năm 2015, Tổng Công ty (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) tiếp tục đầu tư xây dựng mới 11 trạm cấp nước và nâng cấp mở rộng 7 trạm cấp nước với công suất khai thác 21.700 m³/ngày tại các  huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Ngưng hoạt động Trạm nước ngầm Bình Trị Đông công suất 8.000m³/ngày, ngưng mua sỉ các nguồn nước ngầm tư nhân (từ chương trình xã hội hóa năm 2008) công suất 2.000m³/ngày và đưa vào dự phòng 2 trạm cấp nước Bình Trưng và Cát Lái quận 2, công suất 900m³/ngày.

Kéo giảm nước thất thoát

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nguồn nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang triển khai 13 nhóm giải pháp kỹ thuật theo đề án giảm thất thoát nước giai đoạn 2008-2025; đồng thời triển khai Dự án giảm nước thất thoát thất thu vùng 1, vùng 2 bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Vùng 1 (quận 1, 3, 5, 10) được triển khai từ năm 2008, đến tháng 12-2013 lượng nước thu hồi đạt 104.943m³/ngày, vượt mục tiêu của dự án là 75.000m³/ngày; vùng 2 (quận 11, Tân Bình, Tân Phú) bắt đầu triển khai năm 2012, mục tiêu của dự án là 50.000m³/ngày, đến tháng 12-2013 lượng nước thu hồi đạt 15.855m³/ngày. Tỷ lệ nước thất thoát thất thu đến cuối năm 2013 chỉ còn 34,03%, giảm 2,51% so năm 2012; phù hợp với lộ trình giảm nước thất thoát thất thu đã được phê duyệt trong Quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2015 còn 32%.

Tin cùng chuyên mục