Để tránh “con số cay nghiệt” hơn 21.000 học sinh (HS) không vào được lớp 10 trường công lập, không ít phụ huynh đã cho con em mình đi luyện thi. Cuộc đua vào lớp 10 càng trở nên căng thẳng, kéo theo sự nhộn nhịp của thị trường luyện thi vào lớp 10 công lập.
Mùa thi... bầm dập
Vừa kết thúc kỳ thi học kỳ 2 đầy căng thẳng, em Nguyễn Tấn Anh, HS lớp 9/3 Trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh) vẫn ì ạch đạp xe đến trường từ 6 giờ sáng để ôn thi. Ngán ngẩm, cậu học trò lớp 9 lại bước vào guồng xoáy luyện thi vào lớp 10.
Một ngày của Tấn Anh bắt đầu bằng 5 tiết học cho 3 môn thi bắt buộc tại trường THCS. Về đến nhà, 12 giờ, em chỉ kịp ăn trưa để đến 13 giờ, dù trời nắng chang chang, cậu vẫn tất tả đạp xe đến nhà giáo viên ở quận 3 học lại những môn chưa vững. 18 giờ, Tấn Anh tiếp tục có mặt ở Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa (TTBDVH) để củng cố môn chuyên.
Ăn tối xong đã 21 giờ và đó cũng là thời điểm bắt đầu ôn tập tại nhà để chuẩn bị cho buổi lên lớp sáng mai. Một ngày như mọi ngày, cậu học trò lớp 9 phải chạy đua với lịch luyện thi chuẩn bị vào lớp 10 dày đặc…
Không phải trường hợp cá biệt, “ngủ cũng phải học” đang là hoàn cảnh chung của hầu hết những HS lớp 9 tại TPHCM đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển lớp 10 sắp tới. Do các trường THCS đều muốn tỷ lệ HS đỗ cao nên tổ chức các lớp ôn tập, phụ đạo bắt buộc 3 môn Toán, Văn, Anh văn ngay khi kết thúc thi học kỳ 2.
Nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa yên tâm nên chọn thêm cho con những hình thức ôn luyện tại các TTBDVH, nhà riêng… với hy vọng con em mình có thể vào lớp 10 công lập.
Chị Thảo Như (quận 5) vừa đăng ký cho con luyện thi tại TTBDVH của Trường Lê Hồng Phong cho biết: “Gia đình nhắm cho cháu học chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên cháu đã được ôn tập cả năm nay rồi. Giờ tôi cho cháu luyện lớp cấp tốc và môn chuyên ngay tại trường này luôn cho chắc ăn”.
Để có được sự tự tin, đảm bảo một chỗ học như mong muốn cho con, nhiều phụ huynh đã phải chi vài triệu đồng cho tiền học phí luyện thi hàng tháng. Chỉ tính riêng mùa luyện thi cấp tốc ngắn ngủi chỉ 1 tháng, chị Như chấp nhận tốn gần 1 triệu đồng đóng học phí cho con.
Đó là chưa kể, khi con chạy sô từ trường về nhà, đến trung tâm luyện thi thì bố mẹ cũng bầm dập với lịch đưa rước con giữa những ngày hè nắng chói chang.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bi kịch học ngày đêm hiện nay xuất phát từ những lo lắng của phụ huynh và các em học sinh.
Theo thống kê của ngành GD, cuộc cạnh tranh vào lớp 10 công lập năm nay càng căng thẳng hơn. Dự kiến, năm học này, TP có 77.749 HS tốt nghiệp THCS. Trong đó, hệ thống trường THPT công lập của TP chỉ đáp ứng được 72,3% HS, nghĩa là có hơn 21.000 HS tốt nghiệp THCS đành ngậm ngùi học ở trường ngoài công lập.
Đó là chưa kể, những trường THPT được cho là nhóm dưới luôn nằm ngoài tầm ngắm của các phụ huynh, HS. Vì vậy, cuộc chiến vào lớp 10 công lập càng trở nên căng thẳng. Phụ huynh, HS đành đua nhau luyện thi để hy vọng giành 1 vé vào ngôi trường mong ước. Đó cũng là thời cơ để các trung tâm luyện thi làm ăn.
“Lò” luyện bội thu
Nắm bắt đúng nhu cầu ôn tập của HS, sau thi học kỳ 2, nhiều TTBDVH đã mở lớp luyện thi cấp tốc vào lớp 10. Dù dịch vụ này nở rộ nhưng trung tâm nào cũng trong tình trạng đắt khách. Nhiều TTBDVH tranh thủ tăng ca, tăng suất học để đáp ứng đa dạng lớp học, giờ giấc để người học lựa chọn phù hợp với lịch học vốn đã dày đặc.
TTBDVH ngoài giờ Lương Thế Vinh khai giảng khóa mới linh động. Người học có thể chọn học cả 3 môn hoặc đơn lẻ từng môn với học phí 300.000 đồng/6 tuần cho 2 môn Văn và Toán. Riêng môn Anh văn có mức học phí 600.000 đồng/6 tuần vì số buổi học nhiều gấp đôi. Lớp vừa khai giảng được vài ngày nhưng đến đăng ký học môn Toán đã không còn chỗ trống.
Còn TTBDVH Vân Đồn (quận 4) tăng tốc bằng cách luyện thông ca, tăng thời lượng học từ 2 giờ lên 4 giờ/buổi học.
Em Võ Ngọc Tuấn (HS lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh) tranh thủ gặm ổ bánh mì ngay tại lớp, ngán ngẩm: “Em chỉ đăng ký vào Trường THPT Nguyễn Trãi đã học không kịp thở, thế mà chẳng xi nhê so với tụi bạn thi vào trường chuyên, lớp chuyên”. Xung quanh Tuấn, mấy mươi gương mặt non choẹt khác cũng phờ phạc, rạc người vì một ngày miệt mài học.
Đến Trường THPT Năng khiếu lúc này, các lớp luyện thi vào lớp 10 đang vào giai đoạn nước rút đã chật kín người. Nhiều phụ huynh tiếp tục chen nhau đăng ký cho con luyện thêm môn chuyên.
Tương tự, nhiều lớp luyện thi của TTBDVH Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn trong tình trạng hết chỗ, không nhận thêm học viên dù đến 17-5 mới khai giảng. Nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con vào lớp chuyên Anh đã không còn chỗ trống đành ngậm ngùi ra về. Dù đã mở nhiều lớp luyện thi môn chuyên với thời khóa biểu đa dạng nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu.
Mùa luyện thi cũng là cao điểm mùa chạy sô của các giáo viên luyện thi. Cô C.P, giáo viên luyện thi Anh văn có tiếng của một trường chuyên cũng căng thẳng với lịch dạy dày đặc ở các trung tâm, tại nhà riêng… nên sự đầu tư vào bài giảng của giáo viên chỉ dựa vào kinh nghiệm.
Thế nhưng, chính cô cũng khuyên phụ huynh không nên để HS luyện quá nhiều, dễ bị “tẩu hỏa” dẫn đến tác dụng ngược. “Một lớp học chen chúc gần 50 em, thầy cô không tài nào chú ý đến từng em. Hơn nữa, sức học của các em thường không đồng đều nhưng giáo viên chỉ có thể dạy một trình độ chung nhất thôi. Học luyện thi chỉ có hiệu quả khi HS nắm căn bản tốt, còn lại HS không thể theo kịp chương trình luyện cấp tốc”.
Đơn giản, mục tiêu duy nhất của việc luyện thi miệt mài chỉ để đảm bảo cơ hội được vào học ngôi trường phù hợp. Một mong muốn chính đáng, nhưng HS đang phải gồng mình với lịch học quá nặng, đành ngậm ngùi câu hỏi bao giờ mới hết luyện thi?
TIÊU HÀ – TIẾN ĐẠT