Kiến trúc gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với các di tích tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhưng để duy trì lâu dài chất liệu và cấu trúc gỗ lại là một thách đố trong công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể hiện nay.
Tại hội thảo quốc tế chủ đề “Bảo tồn di sản kiến trúc gỗ châu Á nhìn từ trường hợp Việt Nam và Nhật Bản - Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể cho khu di sản Huế” vừa diễn ra tại TP Huế, vấn đề này lại được hâm nóng.
Muôn vàn thách thức
Bảo tồn kiến trúc gỗ là một phần quan trọng trong công tác quản lý bền vững các di sản trên thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam và Nhật Bản, kiến trúc gỗ truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam và Nhật Bản nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng còn đối mặt với hàng loạt tác động tiêu cực nảy sinh từ những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng, cải tạo các công trình kiến trúc không theo quy hoạch chuẩn, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường... TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 bao gồm nhiều di sản kiến trúc đại diện cho giai đoạn lịch sử Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ thứ 20. Các công trình di tích được quy hoạch hài hòa và đặt trong một khung cảnh thiên nhiên độc đáo với đầy đủ các yếu tố phong thủy tự nhiên hiện được bảo tồn nguyên vẹn. Tuy nhiên, biểu hiện “lâm sàng” các công trình di tích kiến trúc gỗ đã tồn tại hàng trăm năm là nghiêng lún cục bộ, thấm dột, ẩm mục, rã mộng, biến dạng hệ khung. Phổ biến và khá nghiêm trọng là hiện tượng mục gãy chân cột và mộng liên kết cột kèo bị thoái hóa.
Hàng loạt di tích kiến trúc gỗ ở cố đô Huế đang xuống cấp.
Theo kết quả khảo sát địa chất, hầu hết các khu di tích Huế (ngoại trừ các lăng tẩm) được xây dựng trên một nền đất không ổn định từ những dải đất bồi lấp của các con sông. Hàng năm, Huế phải gánh chịu nhiều đợt lũ lụt lớn, làm nền đất no nước và địa chất công trình yếu đi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự nghiêng lún nền móng kéo theo sự nghiêng rã của hệ khung gỗ, làm hệ mái lợp ngói bên trên bị nứt gãy, khiến các công trình bị thấm dột. Ngoài ra, độ ẩm không khí cao cộng với sự phá hoại của các loại mối, kiến và côn trùng đang dần làm hệ khung gỗ xuống cấp và phá vỡ cấu trúc mái ngói; vật liệu trùng tu di tích cũng là một thách thức khi các di tích được làm chủ yếu bằng gỗ (đinh, lim, sến, táu), đá tự nhiên và gạch ngói, vôi vữa sản xuất thủ công cách đây hàng trăm năm...
Đảm bảo tính nguyên bản
Việc bảo tồn, trùng tu các di tích ở Huế đang đứng trước nhiều thách thức. Hầu hết các di tích có kiến trúc bằng gỗ đến chu kỳ phải sửa chữa, nếu không khắc phục kịp thời thì việc sụp đổ như di tích Phu Văn Lâu là không thể tránh khỏi... Mỗi năm ngân sách rót về cho công tác trùng tu di tích Huế gần 90 tỷ đồng, trong đó gần 40 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, 6 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Số còn lại do ngân sách (từ nguồn thu bán vé tham quan). Số tiền này như là “muối bỏ bể” với hàng chục hạng mục di tích lớn đang cần được đầu tư trùng tu. Vì thế, hiện còn hàng loạt di tích đang xuống cấp phải “sắp hàng, nằm chờ”.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, với hơn 300 di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, chủ yếu là kiến trúc gỗ thì chu kỳ để trùng tu khoảng 40 năm là vừa, chứ theo chu kỳ 20 năm như các nước trên thế giới thì Thừa Thiên - Huế không đủ nguồn lực làm điều đó. Ngoài ra, cần huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn di sản. Còn theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, để ngăn chặn sự hủy hoại và tăng cường tuổi thọ di tích kiến trúc gỗ thì giải pháp trùng tu vẫn là chủ yếu. Cùng với sự kế thừa những kinh nghiệm và kỹ thuật tu sửa duy trì kiến trúc trong quá khứ, trùng tu khoa học phải có sự tham gia và đảm bảo của 3 yếu tố: Trùng tu được thực hiện bởi những chuyên gia và nghệ nhân về bảo tồn, am hiểu tường tận kiến trúc gỗ; phải được thực hiện bắt buộc theo bài bản và trình tự nhất định; phải tuân thủ những phương châm và quan điểm, đi ra từ bản chất và thực chất của hiện trạng di sản kiến trúc gỗ Việt Nam.
|
VĂN THẮNG