Tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm các doanh nghiệp FDI lên 25%

Ngày 25-2, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) cho biết, năm 2015 sẽ cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI trong khu lên 25%, tạo tiền để để đạt được mốc 40% vào năm 2020.

Khu công nghệ cao TPHCM

(SGGP). - Ngày 25-2, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) cho biết, năm 2015 sẽ cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI trong khu lên 25%, tạo tiền để để đạt được mốc 40% vào năm 2020.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất công nghệ cao ở KCNC lên đến vài tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, lại không có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong nước. Vai trò nhỏ bé của các nhà cung ứng nội địa trong cuộc chơi của các nhà khổng lồ công nghệ ở KCNC vẫn chưa thể thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 20%. Còn nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm đến 80%. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo phải nhập khẩu phần lớn linh kiện và phụ tùng hàng năm với tổng giá trị nhập khẩu lên tới gần 3 tỷ USD/năm; ngành điện - điện tử dù đạt tỷ lệ nội địa hóa 20% - 30% nhưng chỉ mới tập trung một số hạng mục có giá trị thấp như bao bì, khung máy, vỏ máy…; ở nhóm ngành công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, phần lớn nguyên vật liệu phải nhập khẩu nên giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ đạt 15% - 17%…

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, Ban quản lý KCNC sẽ xúc tiến đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng lượng; hỗ trợ công nghệ và chuyển giao công nghệ; tạo môi trường và chính sách ổn định; giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khoảng cách thông tin và nhận thức với các nhà doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể đứng trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của ban quản lý, các chính sách về thuế, đất, hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi tín dụng… của nhà nước thì rất cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp nội địa.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục