Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (2015-2020) đã đánh giá cải cách tư pháp (CCTP) có sự chuyển biến tích cực. Thành phố quan tâm kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất và chăm lo đời sống cán bộ các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Thành phố cũng đã triển khai tốt thí điểm chế định thừa phát lại, xã hội hóa hoạt động công chứng, chỉ đạo xử lý có hiệu quả một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ ra một hạn chế là CCTP chưa đồng bộ ở một số lĩnh vực; trình độ, năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ.
Trong phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh đến việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vững chắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược CCTP. Trong đó có biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; không để tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm…
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nhiệm kỳ 2013 - 2018 ra mắt tại đại hội
Nhìn từ thực tiễn hoạt động tư pháp ở TPHCM những năm vừa qua, trên tinh thần chủ trương CCTP theo Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị, cũng như những giá trị cốt lõi trong Hiến pháp mới năm 2013, chúng tôi xin mạnh dạn có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị như sau:
Thứ nhất, bên cạnh những thành quả to lớn trong các mặt phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và những kết quả bước đầu trong CCTP, có thể nhận thấy thành phố cũng trở thành tâm điểm của một số vụ án hình sự, kinh tế nảy sinh, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp. Một số vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trật tự xã hội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không chỉ về vật chất, tài sản của nhà nước, công dân, tổ chức, mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm triệt tiêu và ảnh hưởng rất lớn đến những thành quả đã đạt được. Dự thảo Báo cáo chính trị lần này cần có đánh giá nguyên nhân, bối cảnh xảy ra những vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói trên; cả về môi trường pháp lý, hiệu quả trong công tác quản lý của nhà nước, vấn đề tham nhũng tiêu cực và kết quả xử lý với các số liệu thống kê mang tính thuyết phục. Theo chúng tôi, một số vụ án hình sự đặc biệt lớn liên quan đến một số ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy chính sách và pháp luật chưa bảo đảm ngăn ngừa khả năng sai phạm và hậu quả xảy ra, công tác quản lý còn rất nhiều bất cập. Khi xử lý bằng các biện pháp hành chính (kiểm soát đặc biệt) hay xử lý hình sự còn nhiều vướng mắc về đường lối xử lý, áp dụng pháp luật, có sự khác biệt lớn trong quan điểm đánh giá.
Mặt khác, khi đánh giá thực chất kết quả thực hiện chủ trương CCTP, rất cần có sự đánh giá từ nhận thức, quan điểm cho đến công tác tổ chức cán bộ và biện pháp thực hiện, vì CCTP có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo lập môi trường pháp lý an toàn cho người dân, cũng như hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp. Mặc dù tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự, sai lệch trong kết quả giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính không nhiều, nhưng thật sự hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự tin cậy thật sự cho người dân trong việc tiếp cận công lý, dân chủ trong hoạt động tư pháp chưa thể hiện rõ nét, vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc. Nói rộng ra, hiệu quả của CCTP cần phải thể hiện được thông qua việc tạo môi trường pháp lý an toàn cho người dân trong một chừng mực nhất định, ở bất cứ đâu khi người dân bị đe dọa về sự an toàn tính mạng, tài sản, sức khỏe thì ở đó pháp luật và các thiết chế tư pháp phải sẵn sàng, kịp thời đứng ra bảo vệ.
Thứ hai, khi đề cập đến vị trí, vai trò của TPHCM như là một trung tâm kinh tế và xã hội của cả nước, dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá bổ sung về vai trò trung tâm cung cấp dịch vụ về tài chính, ngân hàng, cảng biển, giao thông, cũng như là dịch vụ pháp lý. Hiện nay, Đoàn Luật sư TPHCM có gần 4.000 luật sư chính thức, trên 2.000 người tập sự, chiếm 1/3 số luật sư cả nước. Đó là chưa kể số lượng luật sư ở các địa phương khác, cũng như các tổ chức hành nghề luật và luật sư nước ngoài trên địa bàn thành phố. Đội ngũ luật sư, luật gia nói trên đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược CCTP, tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý với phạm vi rất đa dạng, góp phần vào quá trình lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, truyền tải pháp luật vào trong đời sống và đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của các tổ chức hành nghề luật và cá nhân luật sư. Do đó, theo chúng tôi, để phát huy vai trò trung tâm đầu tàu của TPHCM trong thời gian tới, Đảng bộ TPHCM cần chú trọng quan tâm đến sự phát triển ngành nghề, dịch vụ pháp lý như một ngành sản xuất vật chất, coi đây là một thế mạnh của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đội ngũ luật sư TPHCM sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong tranh chấp thương mại quốc tế, hóa giải các vụ việc tranh chấp đông người, phức tạp, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, giai đoạn 2015-2020 là thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt trong sự phát triển các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, trong đó có việc thực hiện chiến lược CCTP. Do đó, thiết nghĩ cần nâng cao nhận thức và tạo biến chuyển một cách căn bản về vai trò của CCTP trong sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bên cạnh một số nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, chúng tôi cho rằng thành phố cần bám sát chủ trương CCTP đã được nêu trong Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh đến việc CCTP về hình sự, đề cao vai trò trọng tâm của Tòa án, thực hiện đúng đắn, đầy đủ chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, tạo thuận lợi cho sự tham gia của đội ngũ luật sư, đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa và phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng ấy. Mặt khác, các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến CCTP theo sát tinh thần của Hiến pháp 2013; trong đó, bên cạnh bảo đảm sự phát triển ổn định của kinh tế và trật tự an ninh quốc phòng, các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật cần hết sức coi trọng việc bảo đảm quyền con người, các quyền tự do cơ bản của công dân, thường xuyên rà soát, kiểm tra các vấn đề pháp lý, tố tụng hành chính, kinh tế, dân sự, hình sự đã ban hành, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ quy định pháp lý được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống oan sai, chống bức cung nhục hình. Có như vậy mới tạo được sự an tâm và tin cậy của người dân về vai trò của Đảng và chính quyền thành phố, thúc đẩy vận khí tư pháp của thành phố phát triển.
Tiến sĩ - Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
(Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)