Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013, UBND TPHCM đã triển khai Đề án tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC) ở xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân trên địa bàn.
Giúp dân hiểu và thực hiện quyền KN-TC
Hàng năm, UBND TPHCM và UBND các quận - huyện trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC phù hợp với nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế trên địa bàn, tăng cường cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp để thực hiện đề án một cách đồng bộ, hiệu quả. Tại các sở - ngành, một số đơn vị đã thực hiện lồng ghép nội dung của đề án vào kế hoạch tuyên truyền, phố biến pháp luật của đơn vị. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan phải tăng cường thực hiện tiếp công dân, lắng nghe và giải quyết phù hợp với pháp luật, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết KN-TC của công dân.
Các phương tiện thông tin đại chúng được thành phố chú trọng huy động tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng loại hình báo chí. Qua đó, thông tin về hoạt động tiếp dân; tư vấn pháp luật về KN-TC; hướng dẫn việc thực thi quyền KN-TC của công dân; tạo sự giao lưu thân thiện, gần gũi giữa người dân với chính quyền thành phố... Trong văn bản báo cáo chính thức với Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC của TPHCM ghi nhận: “Báo SGGP đã xây dựng diễn đàn nói lên tiếng nói của người dân, tổ chức tiếp bạn đọc hàng ngày và hàng tuần có 3 buổi tổ chức cho các luật sư trực tư vấn pháp lý cho bạn đọc. Các hoạt động của Ban Bạn đọc Báo SGGP có ý nghĩa quan trọng trong việc nói lên tiếng nói, ý chí, tâm tư nguyện vọng của người dân và tuyên truyền pháp luật về KN-TC và những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân”.
Thanh tra TPHCM tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật để nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ thanh tra quận - huyện. Ảnh: VÂN KHANH
Ngoài ra, để tăng cường thực hiện việc cung cấp thông tin, phổ biến tuyên truyền các quy định pháp luật về KN-TC, trên cổng thông tin điện tử của UBND TPHCM và Thanh tra TPHCM cũng xây dựng chuyên mục KN-TC. Có thể thấy rõ, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về KN-TC đã và đang được TPHCM quan tâm, thông qua đó giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc KN-TC và nâng cao ý thức trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nâng cao năng lực và ý thức cán bộ
Chính quyền TPHCM xem đây là công tác thường xuyên để nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về KN-TC của cán bộ, công chức cấp cơ sở.
Trên toàn địa bàn, thành phố đã thực hiện 107 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật KN-TC, với 9.634 lượt người tham dự. Để đáp ứng công tác đó, TP quan tâm tổ chức 69 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền cũng như đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về KN-TC cho cán bộ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Song song đó, 5 cơ quan tham mưu của UBND TP (gồm: Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra, Văn phòng Tiếp công dân) đã thực hiện dự án triển khai phần mềm quản lý đơn KN-TC. Và còn có nhiều phương thức khác khá năng động như: Tổ chức 22 hội thi tìm hiểu pháp luật về KN-TC, 58 buổi nói chuyện chuyên đề; lập 7 đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, đề xuất của người dân; lập các điểm trợ giúp pháp lý miễn phí tại cơ sở...
Ông Lê Văn Hùng, Phó Chánh Thanh tra TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật về KN-TC của TPHCM, nhận định: “Công tác này vẫn còn nhiều việc cần phải dồn sức khắc phục, như hoạt động tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu; kỹ năng tuyên truyền pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; chưa nhân rộng được các mô hình... Song, qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC, TPHCM đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về KN-TC của cán bộ cấp cơ sở, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật về KN-TC, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Song song đó, việc thụ lý giải quyết đơn KN-TC đã đi vào nề nếp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định, hạn chế đơn thư tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, tỷ lệ quyết định giải quyết khiếu nại bị sửa đổi hay hủy bỏ ngày càng giảm. Đồng thời, tạo mối quan hệ và sự phối hợp tốt giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở trong công tác giải quyết KN-TC, góp phần hạn chế khiếu nại đông người, vượt cấp; ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong thực hiện quyền KN-TC”.
MINH THANH