Tạo đột phá để giáo dục TPHCM đi đầu cả nước

Sáng 7-6, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc bàn về định hướng phát triển giáo dục đào tạo của TPHCM.
Tạo đột phá để giáo dục TPHCM đi đầu cả nước

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:

(SGGPO).- Sáng 7-6, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc bàn về định hướng phát triển giáo dục đào tạo của TPHCM.

Tạo đột phá để giáo dục TPHCM đi đầu cả nước ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Hải


Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Lê Hồng Sơn, TPHCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc phát triển hoạt động giáo dục đào tạo theo yêu cầu đổi mới, tiếp cận xu thế hội nhập quốc tế. Tuy ngân sách TPHCM dành đến 26% hàng năm để đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục, tăng qui mô trường lớp nhưng không đáp ứng nhu cầu tăng chỗ học đầu cấp quá lớn của dân nhập cư. Cơ sở vật chất tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, cộng với sĩ số lớp học đông, vượt chuẩn qui định cũng làm hạn chế việc nâng cao chất lượng giáo dục, khó thực hiện học hai buổi/ngày và áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, tăng cường giáo dục kỹ năng sống…Thêm vào đó công tác tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên cũng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và TP chưa có chính sách đãi ngộ tương xứng với đội ngũ giáo viên.

Đề xuất với Bộ GD-ĐT, ông Lê Hồng Sơn kiến nghị Bộ cho phép ngành GD-ĐT TP thực hiện cơ chế đặc thù riêng để phát triển giáo dục theo yêu cầu mới, tiếp cận xu hướng hội nhập quốc tế. Theo đó, dựa theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT, TPHCM sẽ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục theo hướng mở, có bộ sách giáo khoa phù hợp với đặc thù phát triển  của TP;Học sinh trường chuyên, lớp chuyên sẽ được thí điểm học theo tín chỉ; phân quyền, cho phép TPHCM chủ động xét tốt nghiệp THPT; đánh giá trình độ ngoại ngữ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế với 4 kỹ năng ( nghe, nói, đọc, viết). Bên cạnh đó cần thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp và giao quyền tự chủ cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng những gì cần làm thì phải làm ngay để TPHCM tạo đột phá để giáo dục-đào tạo của TPHCM phải đi đầu cả nước. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM và để thực hiện đề án tổng thể phát triển giáo dục TPHCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và 2025, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản nền giáo dục. Cụ thể, việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phải dựa trên nền tảng khoa học giáo dục chứ không thể phụ thuộc vào ý chí chính trị, chủ quan. Đã bước vào sân chơi hội nhập quốc tế thì phải chấp nhận cơ chế thị trường để phát triển giáo dục theo xu hướng này. Đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu để hội nhập, không chờ triển khai đề án phát triển giáo dục  và ngành GD-ĐT TP cần làm ngay là kiên quyết không cho dạy thêm, học thêm, giảm tải nội dung chương trình cho phù hợp…

 “Tại sao các trường quốc tế ở TP không dạy thêm, học thêm mà học sinh vẫn giỏi; học phí cao mà phụ huynh vẫn chọn?”- Đồng chí Đinh La Thăng đặt vấn đề. Cũng theo Bí thư Thành ủy, cử tri bức xúc phản ánh về tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan và phải chấm dứt ngay trong năm học 2016-2017. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu:“Chúng ta phải cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh chứ không chỉ là những sản phẩm giỏi công nghệ thông tin, toán, hay văn học, ngoại ngữ. Đề án phải đạt được những mục tiêu thực chất, hiệu quả”.

Trước thách thức dân số cơ học của TPHCM tăng nhanh, nguồn lực ngân sách không thể đáp ứng tất cả các mục tiêu phát triển giáo dục, đồng chí Bí thư chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư. Chính phủ đang xiết chặt biên chế vì thế TPHCM không thể xin thêm biên chế cho ngành GD-ĐT. Đồng chí nhấn mạnh quan điểm:“Chúng ta chỉ bao cấp cho đối tượng người nghèo, còn các đối tượng khác có điều kiện tài chính thì phải tuân theo cơ chế thị trường... Không nên phân biệt trường công , trường tư khi đầu tư ngân sách mà cần đưa ra tiêu chí đào tạo theo chất lượng, sản phẩm giáo dục phải hoàn hảo, đạt chuẩn hội nhập quốc tế. Bí thư cũng yêu cầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực ở các trường CĐ,ĐH, TCCN, gắn đào tạo với doanh nghiệp để tránh tình cử nhân, kỹ thuật viên ra trường thất nghiệp, phải đào tạo lại. Cần giúp sinh viên, học sinh nuôi chí lớn khát khao tinh thần khởi nghiệp, làm giàu…Để làm được những mục tiêu nêu trên, cần  thực hiện phân cấp, ủy quyền từ trên xuống dưới, tạo ra cơ chế đột phá để phát triển giáo dục đạt chất lượng cao, trong đó Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm cao nhất.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ chọn TPHCM là địa phương  tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thí điểm thực hiện đề án tổng thể phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Lắng nghe những kiến nghị của lãnh đạo TPHCM và ngành GD-ĐT TPHCM, Bộ trưởng ủng hộ và chấp thuận nhiều đề xuất mang tính thí điểm, đột phá như nêu trên của TPHCM. Cụ thể là khuyến khích TPHCM tự chủ, phân cấp trách nhiệm, giao quyền cho các trường CĐ,ĐH trong việc chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế. Sắp tới Bộ xây dựng chương trình giáo dục khung chung mang tính chất nền tảng, phân cấp, ủy quyền cho TP chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với TP. Đề nghị TP tiên phong, quyết liệt không cho phép dạy thêm, học thêm. Trước mắt Bộ chấp thuận cho TPHCM thực hiện xét tốt nghiệp THPT từ năm học tới 2016-2017; đánh giá năng lực ngoại ngữ theo 4 kỹ năng…Bộ trưởng cũng nhấn mạnh là sẽ hỗ trợ TPHCM sớm hoàn thiện đề án tổng thể phát triển giáo dục TPHCM trong giai đoạn tới để tạo ra sự dột phá trong đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế và khu vực.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục