Tạo đột phá thúc đẩy ĐBSCL phát triển

Những “nút cổ chai” từ sự xuống cấp của kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo đang là “điểm nghẽn” cho nông sản ĐBSCL. Cho nên, cần có cơ chế, chính sách để đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy gắn với phát triển cảng biển và dịch vụ logistics, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển kinh tế vùng.
Khi nông sản xuất khẩu trực tiếp từ các cảng biển ĐBSCL, chi phí vận chuyển giảm, hàng hóa sẽ tăng tính cạnh tranh
Khi nông sản xuất khẩu trực tiếp từ các cảng biển ĐBSCL, chi phí vận chuyển giảm, hàng hóa sẽ tăng tính cạnh tranh

“Nút thắt” làm tăng chi phí vận chuyển

ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, là vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước. Theo các chuyên gia, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi dài đến 28.000km, giao thông đường thủy đóng vai trò then chốt của vùng. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” hiện nay là thiếu đầu tư, hạ tầng yếu kém nên vận tải thủy nội địa của vùng chỉ mới phát triển ở vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô chưa lớn. Thời gian qua, nhiều địa phương trong vùng và các doanh nghiệp cảng biển rất bức xúc về việc luồng Quan Chánh Bố và kênh Chợ Gạo xuống cấp.

“Hiện các cảng tại khu vực ĐBSCL có thể dễ dàng kết nối đến Philippines, Indonesia nhưng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của vùng thông qua các cảng tại đây chỉ đạt 10-20%, trong khi các cảng như cảng Cái Cui chỉ khai thác khoảng 60-70% công suất thiết kế. Nguyên nhân do hiện tượng bồi lắng tại kênh Quan Chánh Bố chỉ đáp ứng được các tàu tải trọng 5.000 tấn, trong khi các tàu vận tải hàng xuất khẩu thường có tải trọng từ 20.000 tấn trở lên”, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, nhận định. Theo PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy, nhưng hiện nay mới chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ĐBSCL. Theo Bộ Công thương, chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính của “điểm nghẽn” này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, phân tích, các tỉnh miền Tây Nam bộ với hiện trạng giao thông đường bộ quá tải, lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hàng hóa ở khu vực này vận chuyển lên TPHCM và các cảng lớn nước sâu hầu hết bằng đường bộ. Điều này càng thêm khó, vì chi phí logistics tăng cao, kéo theo giá thành tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, việc kết nối các khu - cụm công nghiệp, các nhà máy, bến cảng, bến thủy nội địa… với nhau chưa được thông suốt. Vì vậy, doanh nghiệp thường phải chấp nhận chi phí logistics rất cao. Hệ lụy của nó là nông sản xuất khẩu phải trông cậy vào hệ thống cảng biển TPHCM. Bà Trương Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept tại Cần Thơ, đánh giá: “Hiện có đến 70-75% lượng hàng xuất khẩu của vùng phải vận chuyển lên cụm cảng khu vực TPHCM và Cái Mép - Thị Vải, gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường”.

Trông chờ các trung tâm logistics hiện đại

Theo ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), hiện ĐBSCL có 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy. Trong khi đó, ĐBSCL có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, bởi hàng năm xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đồng thời cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng thủy sản. Rõ ràng với quy mô sản xuất lớn và đang tăng nhanh như hiện nay thì nhu cầu logistics tại ĐBSCL là rất lớn. “Cần nhanh chóng đầu tư hoàn thiện, duy tu luồng kênh Quan Chánh Bố đạt chuẩn, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu (10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải). Đây là vấn đề “sinh tử” đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL”, ông Võ Thanh Phong kiến nghị.

Tạo đột phá thúc đẩy ĐBSCL phát triển ảnh 1 Cảng Cái Cui (Cần Thơ), một trong những cảng hoạt động tấp nập tại ĐBSCL
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp và các địa phương trong vùng về hai tuyến đường quan trọng ở khu vực ĐBSCL. Theo Bộ GTVT, trong quý I-2022, bộ đã triển khai đầu tư xây dựng công trình luồng tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (kênh Quan Chánh Bố) có chiều dài 18,6km với tổng mức đầu tư 2.596 tỷ đồng; xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có chiều dài 28,6km, chiều rộng 55m, tổng mức đầu tư 1.335,6 tỷ đồng. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là hai địa phương được xác định nằm trong bản đồ quy hoạch để xây dựng các trung tâm logistics. Hiện nay, Cần Thơ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Còn UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, địa phương sẽ hình thành 3 trung tâm logistics lớn (logistics Mekong, logistics Hậu Giang và Trung tâm logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang). Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là hơn 113.000 tỷ đồng.

PGS-TS HỒ THỊ THU HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam: Cần Thơ với vai trò là trung tâm của ĐBSCL và tỉnh Long An với vị trí kế cận TPHCM cần được tập trung xây dựng các trung tâm logistics hiện đại để thúc đẩy sự phát triển logistics của vùng. Các địa phương cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở chế biến… đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất lớn, phát triển hệ thống logistics tăng khả năng kết nối các trung tâm cung ứng nông sản.




Ông TRẦN ĐỖ LIÊM, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam: Việc vận chuyển đường thủy hiện nay ở ĐBSCL vẫn giữ vai trò quan trọng. ĐBSCL mới khai thác khoảng 40-50% hiệu quả vận tải đường thủy. Hiện miền Tây chỉ có tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang được đầu tư hệ thống bãi làm hàng - cảng container (ICD), tuy nhiên quy mô còn nhỏ, mỗi bãi khoảng 1 triệu tấn/năm.

Tin cùng chuyên mục