Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp

Tạo giá trị mới cho đô thị

Tạo giá trị mới cho đô thị

Gò Vấp là một quận vùng ven có diện tích gần 2.000ha. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của quận nhanh đến chóng mặt với dân số tăng trên 500.000 người. Điều này gây áp lực rất lớn với quận Gò Vấp trong phát triển KT-XH. Với trách nhiệm chăm lo cho dân, Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra 5 công trình mang tính đòn bẩy, trong đó có trung tâm làng hoa (phường 8) và công viên văn hóa (phường 6) - hai dự án đã có cách đây… 15 năm.

Đâu rồi làng hoa?

Khi nói đến quận Gò Vấp, nhiều người tiếc nuối một làng nghề hoa kiểng truyền thống với thương hiệu mạnh đang dần mai một. 15 năm trước, Đảng bộ quận chủ trương xây dựng làng hoa với quy mô tầm cỡ trong khu vực trên diện tích 20,2ha với số vốn 33 tỷ đồng theo phương châm “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Rất tiếc, Công ty Dịch vụ Du lịch quận chưa kịp triển khai thì xảy ra tiêu cực, giám đốc đi tù và dự án đành gác lại. Trong xu thế đô thị hóa cộng với sự buông lỏng quản lý, diện tích trồng hoa sau đó chỉ còn 2,1ha, nghĩa là giảm 10 lần so với trước. Số đất ít ỏi này, quận giao cho 10 hộ dân thuê dài hạn 15 năm, 3 hộ thuê từng năm.

Sau 15 năm triển khai dự án, Công viên Văn hóa quận Gò Vấp với diện tích hơn 30 ha vẫn chỉ là bãi đất trống

Sau 15 năm triển khai dự án, Công viên Văn hóa quận Gò Vấp với diện tích hơn 30 ha vẫn chỉ là bãi đất trống

Tới nhiệm kỳ 2000-2005, Đại hội Đảng bộ quận giao Công ty Dịch vụ Công ích quận làm chủ đầu tư dự án nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Đến nhiệm kỳ 2005-2010, đại hội vẫn quyết tâm xây dựng làng hoa trở thành trung tâm triển lãm, kinh doanh các loại chim, cây, cá kiểng (kể cả nuôi thú) kết hợp hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch; nghiên cứu phát triển nhân giống, lai tạo giống hoa kiểng; ươm giống cây xanh để cung cấp cây xanh đô thị cho địa phương khác; tổ chức mua bán, trao đổi cây kiểng, làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, cung cấp các dịch vụ hoa kiểng…

Nhưng đến cuối nhiệm kỳ 2005-2010, vì nhiều lý do, mục tiêu này lại không đạt, đành chuyển chức năng từ trung tâm làng hoa thành công viên làng hoa. Như vậy, ý tưởng “xây dựng Gò Vấp thành vùng hoa cây kiểng, cá kiểng trọng điểm của TPHCM và để làm sao khi về Gò Vấp, đâu đâu cũng thấy hoa tươi” mà đồng chí Nguyễn Minh Triết (Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó, nay là Chủ tịch nước) mong mỏi, không trở thành hiện thực.

Tương tự như vậy, dự án công viên văn hóa mà Đại hội Đảng bộ đề ra từ đầu nhiệm kỳ (2005-2010) đến nay vẫn ngổn ngang, cỏ mọc hoang vu. Thực ra, dự án này có tên ban đầu là Khu du lịch phường 17 được hình thành cách đây 15 năm và được coi là công trình trọng điểm của Đảng bộ quận nhiệm kỳ 1996-2000.

Đến nhiệm kỳ 2000-2005, thấy dự án không chuyển động, Đại hội Đảng bộ quận lại chọn công viên văn hóa là một trong 10 công trình trọng điểm. Với mọi nỗ lực của mình, tháng 5-2003, dự án được khởi công trên diện tích hơn 30 ha, có vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 98 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, công viên văn hóa (phục vụ 10.000 lượt người/ngày) có khu vui chơi dân gian, khu vui chơi kỹ thuật cao, triển lãm, nhạc nước, sân khấu ngoài trời, trượt nước, đua thuyền.

Cuối nhiệm kỳ 2000-2005, thấy 2 dự án trên vẫn giậm chân tại chỗ, chúng tôi trao đổi với một đồng chí lãnh đạo quận thì nhận được câu trả lời: “Vì quận không chủ động, không tập trung và còn tư tưởng chờ đợi, thấy khó là buông xuôi. Quận ủy nhận thức được rằng, quy hoạch không mang tính khả thi vì không căn cứ vào nguồn vốn và khả năng thực tế; chậm điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp vì thiếu thông tin và khả năng dự báo”.

Tháng 6-2010, về Gò Vấp, nhìn bãi đất trống cỏ mọc ngút ngàn ở công viên văn hóa mà thấy nao lòng, xót xa về sự lãng phí. 15 năm là khoảng thời gian khá dài với bao đổi thay nhưng với 2 dự án trên, đó vẫn chỉ là giấc mơ đầy tiếc nuối…

Phát huy nội lực

Mục tiêu tổng quát của quận Gò Vấp trong nhiệm kỳ 2010-2015 là tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó tiếp tục xây dựng công viên làng hoa và dự kiến đưa công viên văn hóa vào hoạt động. Nhưng lấy vốn đâu ra? “Quận Gò Vấp cần xác định đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị. Đó chính là nguồn vốn mới phát triển đô thị và tạo ra giá trị mới cho đô thị” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp nhiệm kỳ 2010-2015.

Là người am hiểu tình hình của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn: “Tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề của quận Gò Vấp là tập trung “tranh thủ, khai thác nguồn vốn từ TP”. Tại sao không đặt vấn đề chủ động phát huy nội lực, tiềm năng sẵn có của quận?”. Chỉ lấy ví dụ, trên địa bàn quận hiện có 240 mặt bằng nhà xưởng dư dôi, trong đó, quận đang quản lý 161 địa chỉ.

Cách đây không lâu, quận đề xuất UBND TP bán 62 mặt bằng, nhưng hiện mới bán được 2 nhà. Đoàn công tác Thành ủy TPHCM nhận định: Không khai thác hết nguồn quỹ nhà dư dôi này trong nhiều năm qua là sự lãng phí vô cùng lớn. Số tiền thu về sẽ giúp quận tạo vốn ban đầu để xây dựng hạ tầng cơ sở và hạ tầng kỹ thuật văn hóa, từ đó “làm mồi” thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội…

“Đọc lại bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Triết tại Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp nhiệm kỳ 2005-2010, tôi thấy nhiều nội dung sâu sắc và còn nguyên giá trị. Quận Gò Vấp cần kiểm điểm thực hiện chỉ đạo này đến đâu, cái gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, hướng khắc phục thế nào” - đồng chí Nguyễn Văn Đua kết luận.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục