Thông qua dự án “Hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học” với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng, nhiều trường học ở TPHCM có điều kiện đổi mới phòng thí nghiệm, thực hành với những thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du trong giờ thực hành môn Hóa với chủ đề “pH với cuộc sống”
Hào hứng với giờ thí nghiệm
Mới đây, giờ thực hành môn Hóa với chủ đề “pH và cuộc sống” khiến học sinh lớp 11B8 Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cảm thấy hào hứng khác thường. Bởi lẽ, lần đầu tiên, các em được thực hành với thiết bị thí nghiệm hiện đại, có thể đo độ pH chính xác nhằm kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đối với các loại đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm… Cùng nhóm bạn đang kiểm tra độ pH trong một sản phẩm sữa rửa mặt của nước ngoài, nam sinh Minh Trí sôi nổi cho biết: “Được thực hành với thiết bị hiện đại và sau thí nghiệm cho ra kết quả chuẩn xác, chúng em rất hứng thú, tiếp thu được nhiều điều bổ ích”. Tương tự, nữ sinh Minh Tâm cùng tổ của mình chọn một loại thức uống để xác định mức độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo nhóm học sinh này, từ tiết học thực hành đo độ pH, các em sẽ có thêm kiến thức để kiểm chứng các sản phẩm thức uống an toàn. Theo chia sẻ của cô Trần Thị Hồng Châu, giáo viên dạy môn Hóa - người hướng dẫn học sinh thực hành, trước đây học sinh phải dùng giấy pH đo độ phổ màu nên độ chính xác chỉ tương đối, còn bây giờ thực hành trên bộ thiết bị tổng hợp (Labdisc) này, các em đo độ chính xác của pH tuyệt đối. Còn cô Đặng Thị Hồng Thủy, tổ trưởng tổ Hóa Trường THPT Nguyễn Du, cho biết: “Những giờ thực hành vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống sẽ giúp học sinh nhớ lâu và có thể ứng dụng thực tiễn khi lựa chọn, kiểm tra độ an toàn trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đây cũng là mục tiêu giáo dục toàn diện, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm và tham gia học nhóm hiệu quả hơn”.
Nằm trong kế hoạch được đầu tư bộ thiết bị thí nghiệm tổng hợp này, thầy và trò Trường THPT Thủ Thiêm cũng đang háo hức chờ đợi được thực hành các môn khoa học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh. Thầy Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, gắn học với hành thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em trải nghiệm thực tế, tăng cường giờ thực hành, thí nghiệm thay vì chỉ nặng về học lý thuyết”. Cùng với việc tân trang, nâng cấp phòng thí nghiệm, nhà trường cũng có kế hoạch đầu tư một thư viện hiện đại để giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Theo đó, nếu các phòng học được trang bị thiết bị hiện đại với màn hình 70 inch, kết nối với máy chủ của thư viện, thì việc truyền kiến thức của các môn học sẽ sinh động, hiệu quả hơn.
Chuẩn hóa trang thiết bị dạy học bằng các nước trong khu vực
Theo ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, trong năm học 2016-2017, sẽ có 10 trường THPT của TP được trang bị thí điểm bộ thí nghiệm tổng hợp để thực hành ba môn Lý, Hóa, Sinh như nêu trên. Mỗi bộ thí nghiệm hiện đại này trị giá gần 500 triệu đồng. Ngoài đầu tư các thiết bị dạy và học hiện đại như nêu trên, TPHCM còn đầu tư nâng cấp thiết bị các môn học như Vi tính, Lý, Hóa, Sinh và phòng Multimedia. Với phòng Multimedia đa năng, học sinh không chỉ học ngoại ngữ mà còn dùng để học các bộ môn khác trên máy tính như Địa, Sử, Sinh, Lý…
Theo Sở GD-ĐT, hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, tạo môi trường cho học sinh bậc trung học tăng thời gian thực hành, sáng tạo, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và mở rộng nghiên cứu khoa học, TPHCM đã ưu tiên dành nguồn vốn cho dự án “Hiện đại hóa trang thiết bị dạy học”. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 1.500 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm học 2016-2017), TP đầu tư 780 tỷ đồng để chuẩn hóa trang thiết bị trường học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Còn giai đoạn 2, từ năm 2018 đến 2020, TP sẽ tiếp tục đầu tư 720 tỷ đồng cho các trường theo chuẩn tiên tiến của các nước trong khu vực. Ông Dương Trí Dũng cho biết thêm: “Theo kế hoạch, sẽ có 80 trường học ở TPHCM được đầu tư đổi mới trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn học với hành, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Qua khảo sát và nắm nhu cầu thực tế, trường học nào thiếu gì và cần gì sẽ được Sở GD-ĐT xem xét, đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả”.
Có thể nói dù chưa đáp ứng nhu cầu của các trường về đổi mới giáo dục, gắn học với hành nhiều hơn nhưng dự án “Hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học” của TPHCM đã mở rộng cơ hội cho học sinh TPHCM phát huy năng lực, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng hội nhập, xây dựng nhiều trường học tiên tiến, thì ngoài đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa, trường học phải có phòng thí nghiệm, trang thiết bị đạt chuẩn. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Trung học Sở GD-ĐT, từng chia sẻ: “Ngoài giúp học sinh nắm vững kiến thức từ thực hành, thí nghiệm, các phòng thí nghiệm có đủ thiết bị tiên tiến, hiện đại sẽ thắp sáng ý tưởng, nuôi dưỡng tài năng trẻ nghiên cứu khoa học”. Hy vọng từ bước đệm đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị dạy học, TPHCM sẽ có thêm nhiều tài năng trẻ tỏa sáng thành tích nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
KHÁNH BÌNH