Dù tình hình kinh tế còn khó khăn, song những tháng đầu năm 2013, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn tăng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam không tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thì nguồn FDI vào Việt Nam có thể tiếp tục giảm và sẽ khó cạnh tranh được trong việc thu hút đầu tư với các nước khác, nhất là trong khối ASEAN.
Vốn đầu tư FDI tăng cao
Theo Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến tháng 5-2013, tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam đạt 216,9 tỷ USD với 14.918 dự án còn hiệu lực. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã cấp mới 398 dự án với tổng vốn đăng ký 5,09 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2012 và 160 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3,426 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 8,517 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012. So với những năm trước, những tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài khá cao.
Cụ thể, trong 5 tháng năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,58 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2012. Đáng lưu ý, trong quý 1-2013 Việt Nam đã thu hút một số dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, chế tạo, điện - điện tử và cơ sở hạ tầng như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; dự án Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử…
Tại TPHCM, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, tính đến đầu tháng 6, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 136,04 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2012. Theo Hepza, vốn đầu tư nước ngoài thu hút tăng chủ yếu do một số dự án đầu tư mở rộng sản xuất có kế hoạch từ trước. Các doanh nghiệp này được hỗ trợ từ công ty mẹ và sản phẩm có khách hàng thường xuyên, ít bị tác động bởi sự suy giảm của thị trường.
Cần cải thiện môi trường đầu tư
Dù nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam những tháng đầu năm tăng cao, nhưng không ít ý kiến lo ngại về tính bền vững trong việc thu hút FDI của Việt Nam. Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam không tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nguồn FDI vào Việt Nam sẽ giảm và khó cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư với các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar…
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Tuấn, trợ lý Giám đốc Công ty Nidec Copal Việt Nam tại KCX Tân Thuận, quận 7, chia sẻ: Trong năm 2012, do phía Trung Quốc có nhiều biến động nên các DN đã chuyển đơn hàng qua Việt Nam và một số nước như Lào, Campuchia…
Lý do chưa thực sự chuyển hết qua Việt Nam vì họ vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư. Bởi lẽ, ở Việt Nam chính sách thu hút đầu tư còn phức tạp, chưa thông thoáng. Chẳng hạn như thủ tục hải quan, sau khi làm ra sản phẩm xuất sang nước ngoài phải làm quá nhiều giấy tờ và các thủ tục lại thay đổi thường xuyên nên không biết đâu mà lần.
Ngoài ra, đối với hệ thống hạ tầng giao thông ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập nên họ cảm thấy bất an mỗi khi sang Việt Nam làm việc. Vì vậy, mong muốn của nhà đầu tư là Việt Nam cần nghiên cứu giải quyết thủ tục giấy tờ thông qua hình thức một cửa đơn giản cho DN. Về giao thông nên giảm lượng xe buýt lớn, tăng xe buýt loại nhỏ để giảm diện tích lưu thông trên đường, cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, cho rằng: Hiện nay đối với các nước trong khu vực, lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao đã phủ kín nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài sang tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, do vấn đề hạ tầng của chúng ta chưa được chú trọng nên nhà đầu tư không yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Vì vậy, có nhiều dự án đầu tư chúng ta đã bị bỏ lỡ cơ hội. Để thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam, nhất là vào lĩnh vực công nghệ cao, nhà nước cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao để phục vụ sản xuất; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất xám cao thông qua việc ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho họ; tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, đường, nước. Cụ thể là phải xây dựng hệ thống đường điện, nước riêng cho các KCX-KCN chứ không để xảy ra các sự cố rồi đổ lỗi do bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhà đầu tư.
Để việc thu hút vốn đầu tư FDI được bền vững, hơn lúc nào hết, nhà nước cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, tập trung cho cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
ĐÌNH LÝ