Tạo niềm tin từ lời xin lỗi

L.T.S:
Tạo niềm tin từ lời xin lỗi

L.T.S: Cuối năm 2013, Báo SGGP mở diễn đàn “Ứng xử văn hóa”, đây sẽ là chuyên mục được duy trì thường xuyên trên Trang Nhịp cầu bạn đọc trong năm 2014, để bạn đọc phản ánh, kiến nghị, góp ý cho việc xây dựng ý thức sống cộng đồng, xây dựng lối sống văn minh và có trách nhiệm. Ngay sau khi mở diễn đàn, đã có rất nhiều bạn đọc gửi bài tham gia diễn đàn. Trong dịp đón năm mới 2014, Báo SGGP trân trọng giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc.

Sinh viên tình nguyện tận tình hướng dẫn bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: THANH HẢI

Sinh viên tình nguyện tận tình hướng dẫn bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: THANH HẢI

  • HOÀNG VŨ (Đại học Hồng Bàng): Đừng làm văn hóa theo phong trào

Việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Nhưng việc làm phải thực chất và không thể hô hào chạy theo thành tích. Lâu nay, vẫn có những cuộc vận động chỉ hô hào khẩu hiệu và báo cáo thành tích, không tạo ra hiệu quả thiết thực. Dẫn chứng dễ thấy là hầu như phường - xã nào cũng có rất nhiều khu phố văn hóa, nhưng ở nhiều khu phố văn hóa vẫn tồn tại tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, bãi rác tập kết ngay trước tấm biển khu phố văn hóa, thậm chí tệ nạn xã hội vẫn diễn ra. Tồn tại nghịch lý đó là do nếu khu phố không có nhiều hộ được bình chọn đạt gia đình văn hóa thì sẽ mất danh hiệu khu phố văn hóa; nếu phường không có nhiều khu phố văn hóa cũng chẳng có danh hiệu phường văn hóa. Cứ thế, từng cấp hành chính chạy theo phong trào để lấy thành tích. Làm phong trào mà không thực chất thì người dân sẽ xem thường và nhàm chán.

  • LÊ QUANG (Thủ Đức, TPHCM): Đi ngược giá trị văn hóa

Cán bộ, công chức (CBCC) là công bộc của dân, đồng thời là tấm gương để dân noi theo. Để xây dựng một xã hội văn hóa, trước hết CBCC phải sống có văn hóa. Người dân nhìn vào đội ngũ CBCC gương mẫu, sống có trách nhiệm, đạo đức với nhân dân thì họ mới tin tưởng vào xã hội và tự nhận thấy mình phải sống tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận CBCC chưa sống gương mẫu, thậm chí đi ngược lại những giá trị văn hóa và chính điều đó đã tạo ấn tượng xấu cho người dân.

Gần đây, dư luận rất bất bình trước những vụ việc cán bộ sai trái. Do tranh chấp đất, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã xô xát, hành hung một phụ nữ. Do quanh co, chối trách nhiệm, Chủ tịch UBND phường 25 (quận Bình Thạnh, TPHCM) phát ngôn dối trên lừa dưới về vụ các nhân viên công quyền còng tay, hành hung một người bán hàng rong… Khi có lỗi với dân mà loanh quanh chối trách nhiệm, không tự thấy xấu hổ với dân thì đó là thiếu văn hóa ứng xử.

  • MINH GIANG (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi): Bước đột phá

Chuyện Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thay mặt Đảng bộ và chính quyền tỉnh xin lỗi nhân dân xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vì đã để dân quá bức xúc khi chậm giải quyết thông luồng, nạo vét cửa Đại cho tàu thuyền lưu thông và chậm xây kè chống sạt lở, chấm dứt việc khai thác cát xuất khẩu, đã được dư luận hoan nghênh, xem như một bài học về ứng xử văn hóa của người làm lãnh đạo. Xin lỗi dân không phải là điều quá khó, nhưng đúng là lâu nay có quá ít lãnh đạo làm được điều này. Và nhất là sau khi xin lỗi dân, Bí thư Tỉnh ủy đã cam kết thực hiện ngay những yêu cầu bức xúc và chính đáng của người dân xã Nghĩa An. Tất cả những lời hứa, cam kết của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã được thực hiện ngay ngày hôm sau. Cùng với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cam kết nếu không làm tốt những việc này cho dân, ông sẽ từ chức.

Biết xin lỗi dân khi sai, biết làm việc tốt vì dân, cho dân, như thế là thể hiện văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, tạo niềm tin trong việc phát triển một xã hội do dân và vì dân.

  • HẠNH PHƯỚC (Mũi Né, TP Phan Thiết):

Tôi đang làm hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách nước ngoài đi tham quan. Tôi thật buồn và xấu hổ khi đến hôm nay vẫn còn phải thấy các du khách chuyền tay nhau xem đoạn video clip, rồi hỏi thẳng với tôi về vụ hôi bia ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tôi không biết trả lời sao, chỉ biết giãi bày rằng đó chỉ là hành động của một số người thiếu ý thức. Nhưng họ lại chất vấn rằng trong video clip cho thấy không chỉ một số người, mà là cả đám đông cùng hăng hái xúm vào hôi của. Họ cũng cho biết sự việc này đã bị đưa lên truyền hình nhiều nước, khiến nhiều người thấy dè dặt khi tính chuyện đến Việt Nam du lịch. Từ sau khi xảy ra vụ hôi bia, những khi đưa du khách đi tham quan, tôi thường phải nghe những lời bàn tán nói rằng người Việt không tốt, và họ tỏ ra rất e dè, cảnh giác khi tiếp xúc. Rõ ràng chuyện hôi bia đáng xấu hổ đã làm méo mó hình ảnh thân thiện, hiếu khách của người Việt Nam trong mắt nhiều du khách quốc tế. Tôi rất buồn khi chứng kiến cảnh du khách bị những người bán hàng “chặt chém”. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của công dân trong việc ứng xử có văn hóa. Đừng để du khách đến Việt Nam rồi một đi không trở lại.

Tin cùng chuyên mục