LTS: Gần đây, dư luận bàn luận nhiều về tình trạng thiếu niên tự tử, sống buông thả, có những biểu hiện quá lố trong việc hâm mộ thần tượng trong làng giải trí... Nhiều bạn đọc đã phân tích, chỉ ra sự thiếu hụt trầm trọng sân chơi lành mạnh và trang bị kiến thức phục vụ đời sống thực tế để giúp lớp trẻ có thể áp dụng trong ứng xử, giao tiếp và tự tin vào đời.
- Nhận biết giá trị đích thực
Có thần tượng là điều hết sức bình thường, song thực tế có vẻ như nhiều bạn trẻ lại khá dễ dãi khi chọn cho mình một thần tượng và có những hành vi hâm mộ một cách thái quá, lệch lạc, như hôn ghế thần tượng vừa ngồi, gào thét, khóc lóc đến ngất xỉu, chen lấn, bỏ hết mọi công việc đứng chờ giữa trưa nắng để được thấy mặt thần tượng.
Việc có thần tượng là người trong làng giải trí cũng không có gì là sai trái nhưng điều đáng lo ngại là lớp trẻ chưa được quan tâm định hướng để thấy được đâu là giá trị đích thực của một con người. Đó chắc chắn không phải là sở hữu một gương mặt đẹp, mặc đồ hàng hiệu, đi xe hơi hạng sang. Vẻ hào nhoáng bên ngoài dễ làm người ta choáng ngợp và lầm lẫn với những giá trị khác.
Việc các bạn trẻ hành động như những người hâm mộ cuồng nhiệt xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định mình, muốn mình thật nổi bật so với những người hâm mộ khác. Những thông tin đầy rẫy trên mạng về người mẫu, ca sĩ; cách ăn mặc theo xu hướng thời trang từ Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thôi thúc nhiều bạn trẻ muốn được nổi tiếng theo kiểu như vậy.
Thay vì nổi tiếng bằng chính năng lực, nghị lực thật sự, không ít bạn trẻ đã đánh đổi và đánh mất nhiều thứ, để rồi sau đó vẫn chỉ là những người xa lạ. Họ sống thiên về hình thức, muốn chơi trội, thích đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài vì những gì thuộc về phẩm giá con người khó đạt được và khó cân đo. Sự nổi tiếng ấy sẽ được gì và đọng lại gì?
Đừng vội trách giới trẻ khi hình ảnh rực rỡ quanh họ chỉ toàn quảng cáo cho sự nổi tiếng chứ chưa chắc hữu ích. Trên nhiều tờ báo, đặc biệt là báo mạng, tập trung lăng xê, khai thác thông tin nhảm nhí về người mẫu, diễn viên, ca sĩ... Các kênh truyền hình vào giờ vàng đầy rẫy những phim truyện về cuộc sống của những người sành điệu, trong khi lẽ ra nên hướng dư luận vào những nhân vật đáng được thần tượng hơn.
Hạ Uyên (Tỉnh đoàn Quảng Nam)
- Tận dụng thời gian làm việc có ích
Tôi đang là sinh viên một trường đại học cũng thuộc lớp người cuối thế hệ 8x là lứa tuổi vẫn còn có thể cho là trẻ trung, năng động. Trước đây, chúng tôi biết đến tên ca sĩ và cũng rất hâm mộ người này, người kia nhưng khi có dịp gặp để nghe hát vẫn chưa đến mức phải tỏ ra cuồng nhiệt như những biểu hiện quá lố của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Xã hội ngày càng phát triển giao lưu, hội nhập quốc tế, Internet cung cấp rất nhanh các thông tin về những người trong làng giải trí và có những chiến dịch lăng xê rất rầm rộ. Khi tiếp nhận thông tin, nhiều bạn trẻ có người hâm mộ riêng cho mình theo trào lưu, thị hiếu. Nhiều khi thiếu chọn lọc và ảo tưởng, đòi cha mẹ phải cho mình học theo văn hóa Hàn, ăn mặc, thậm chí cả cắt tóc giống sao Hàn, mặc dù không thể hiểu gì khi nghe hát nhạc Hàn, mà chỉ nhảy múa lắc lư theo họ cho ra vẻ người sành điệu.
Nhiều bạn trẻ đi học về chỉ lao vào mạng chăm chú tìm đọc các thông tin lá cải chuyên tập trung về thế giới sao để có thêm thông tin về thần tượng của mình. Trong khi học hành, làm việc chưa gắng sức nhưng lại sẵn sàng chịu đựng đứng chen chúc mệt mỏi đón thần tượng giữa cái nắng oi bức cho đến tận khuya. Có bạn kiệt sức, thậm chí ngất xỉu, trở thành người hâm mộ thần tượng đến mức cuồng nhiệt mà không đem lại lợi ích gì hết.
Hiện tượng đó cho thấy lớp trẻ đang rất thiếu sân chơi lành mạnh và thiếu sự tư vấn cần thiết của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thanh Hải (quận 1, TPHCM)
- Trang bị kiến thức sống
Qua những biểu hiện lệch lạc trong nếp nghĩ, lối sống và ứng xử thiếu lành mạnh của một bộ phận lớp trẻ, có thể thấy đây là một báo động về lỗ hổng kiến thức của học sinh. Có thể thấy nội dung và chương trình học hiện nay ở bậc phổ thông chưa thật sự hợp lý. Dù nội dung rộng, có khả năng cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức nhưng cái cần nhất là những kiến thức phục vụ cho đời sống thực tế lại quá thiếu.
Những bài giáo dục công dân tuy hay nhưng ít giúp học sinh có thể áp dụng trong ứng xử, giao tiếp trong đời sống. Điều quan trọng là phải tạo cho các em thấy việc học bên cạnh những kiến thức mang tính nền tảng thì có thể mang lại những lợi ích thiết thực trong cuộc sống, thay vì học chỉ để thi và để biết.
Thực tế, khi dạy đến bài học về sức khỏe sinh sản, hay còn gọi là giáo dục giới tính, nhiều giáo viên, nhất là giáo viên nữ, giáo viên trẻ, tỏ ra ngại ngùng, thường giảng nhanh cho qua, sợ các em hỏi thêm. Vì thế thông tin, kiến thức của giáo viên truyền đạt đến học sinh chưa đầy đủ. Chính hạn chế về hiểu biết đối với vấn đề sinh sản, giới tính đã khiến một bộ phận thanh thiếu niên tự đi tìm hiểu ở những kênh khác ngoài luồng.
Hậu quả là tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi mới lớn khá phổ biến, kéo theo đó là một số bệnh và nạn nạo phá thai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, sức khỏe giống nòi cùng nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng khác.
Trịnh Minh Giang (quận Thủ Đức, TPHCM)