Một nhóm nghiên cứu độc lập do PGS-TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban KH-CN của Đại học Quốc gia Hà Nội, làm trưởng nhóm thực hiện một cuộc khảo sát, đánh giá hoạt động KH-CN trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011 - 2016. Một nhóm 6 chuyên gia độc lập khác đã lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng ĐH Việt Nam. Hai công bố này cách nhau hơn 1 tháng nhưng có sự liên hệ khá mật thiết về vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) của các trường ĐH Việt Nam. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Văn Tích xung quanh các công bố này.
* Phóng viên: Qua khảo sát của nhóm chuyên gia độc lập thuộc ĐHQG Hà Nội cho thấy, NCKH ở các trường ĐH còn quá èo uột. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
- PGS-TS VŨ VĂN TÍCH: Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực của các trường ĐH cung cấp hơn 90% nhân lực KH-CN trong cả nước; 10% được đào tạo ở nước ngoài. Qua số liệu thống kê giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tổng số sản phẩm KH-CN của khối các trường ĐH chiếm hơn 2/3 trong cả nước. Đối với hoạt động chuyển giao tri thức nói chung, hàng năm, các tổ chức KH-CN trong các trường ĐH ở Việt Nam đã thu hút đầu tư của Nhà nước với tổng mức đầu tư bình quân 1.063 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao so với các tổ chức KH-CN trong cả nước.
Tuy nhiên, trong hệ thống trường ĐH ở Việt Nam chưa có nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng quốc tế lớn và chưa có nhóm nghiên cứu mạnh tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế. Đáng lo là, phần lớn hệ thống các tổ chức KH-CN của các trường ĐH hiện nay chủ yếu là các phòng thí nghiệm, chiếm 80%.
* Thực tế hiện nay, tài chính cho nghiên cứu KH-CN ở các trường ĐH còn thiếu thốn; các trường sống bằng số lượng đề tài chứ chưa sống bằng sản phẩm của đề tài. Điều này nói lên điều gì?
- Hoạt động KH-CN không chỉ phục vụ cho hoạt động của nhà trường mà còn tạo ra những sản phẩm trực tiếp nâng cao tiềm lực KH-CN quốc gia, ứng dụng trực tiếp vào trong cuộc sống, nâng cao giá trị sản phẩm để tăng trưởng đất nước. Thế thì tại sao ĐH lại chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi nguồn lực từ các doanh nghiệp là rất lớn về tài chính. Luật KH-CN đã có quy định, các DN chi 10% doanh thu để dành cho phát triển KH-CN. Lực lượng để làm KH-CN trong doanh nghiệp thì thấp hơn so với khối các trường ĐH. Phải chăng, nên có những giải pháp để liên kết các trường ĐH và doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm.
Theo tôi, cần phải có một cơ chế chính sách cho phép các nhà khoa học vừa có thể làm việc trong các trường ĐH, vừa có thể làm việc ở doanh nghiệp giống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước Tây Âu. Theo đó, họ có thể sử dụng các thiết bị của doanh nghiệp để NCKH, rồi doanh nghiệp hỗ trợ tài trợ cho NCKH. Còn nữa, nếu được bảo hộ sáng chế, các nhà khoa học có thể tự bỏ tiền túi ra để nghiên cứu, như một cách khởi nghiệp.
Như vậy, chúng ta có thể tạo ra nhiều nguồn lực để đẩy mạnh NCKH mà không cần dựa hoàn toàn vào tiền ngân sách. Nhưng hiện nay còn quá nhiều vướng mắc để các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, sáng chế, nhất là ở các trường ĐH công. Còn ở trường tư thì xu hướng có vẻ thắng thế hơn. Điều này thể hiện rõ ở bảng xếp hạng vừa qua, khi có vài trường ĐH tư, tuổi đời còn trẻ nhưng có thứ hạng cao khi có thành tựu về NCKH.
* Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước nên đầu tư như thế nào để bảo đảm có những sản phẩm lõi?
- Hiện có nhiều trường đã đi đầu trong đổi mới chương trình đào tạo ứng với mô hình ĐH 4.0; rồi các ĐH lớn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, các ĐH vùng cũng đã có sự chuyển đổi trong đào tạo và phương pháp NCKH. Nhà nước có chủ trương phân tầng ĐH để phân tầng về đầu tư, quản lý cũng như các dòng sản phẩm chủ lực. Trong thời gian tới, Nhà nước nên đầu tư cho một số ĐH có lĩnh vực liên ngành như điện tử viễn thông, vật liệu mới, công nghệ sinh học, để tạo ra một nhóm ĐH mang tính khai phá và dẫn dắt cho các ĐH khác.
Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức phát triển: nguồn tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, thiếu vốn, do đó chỉ có thể dựa vào nguồn lực KH-CN và nhân lực. Đất nước sẽ chỉ phát triển dựa trên KH-CN chứ không phải yếu tố nào khác. Các trường ĐH phải là nơi tạo ra môi trường sinh thái phát triển KH-CN, bắt đầu từ việc sắp xếp lại để phát triển mạnh các nhóm NCKH, các câu lạc bộ nghiên cứu KH-CN liên kết với doanh nghiệp.
* Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các trường ĐH phải đầu tư và thích ứng ra sao, thưa ông?
- ĐH phải luôn luôn là nơi tạo ra tri thức, tiếp thu tri thức của thế giới để đưa vào thực tiễn cuộc sống. Khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra thì bắt buộc các trường ĐH phải thay đổi nhanh chóng, bởi tới đây nhiều ngành nghề sẽ sinh ra và cũng nhiều ngành nghề mất đi.
Cuộc cách mạng 4.0 cũng sẽ có tính chất liên và xuyên ngành, nó kết hợp giữa Internet, tự động hóa, các loại hình vật chất thông minh. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là liên kết vạn vật lại với nhau để tạo ra một sản phẩm KH-CN mới. Các trường ĐH cũng sẽ phải thay đổi theo mô hình tổ chức như vậy, chúng ta không thể tổ chức thành những ngành, khoa đơn lẻ như trước mà phải thành những ngành khoa học liên ngành, xuyên ngành.
* Xin cảm ơn ông!