Thị trường xuất khẩu ngành công nghiệp năm 2006

Tập trung chủ yếu vào châu Á

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp cho biết, lộ trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp đã được bộ này hoạch định trên cơ sở xác định hai vấn đề lớn là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực và định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
Tập trung chủ yếu vào châu Á

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp cho biết, lộ trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp đã được bộ này hoạch định trên cơ sở xác định hai vấn đề lớn là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực và định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

  • 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu

Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu được chia làm 3 nhóm là nguyên liệu, khai khoáng và sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tác. Nhóm nguyên - nhiên liệu hiện nay chủ yếu là dầu thô và than đá, chiếm tỷ trọng 24%-26% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thuộc Bộ Công nghiệp.

Tập trung chủ yếu vào châu Á ảnh 1

Công nhân Công ty May Việt Tiến kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ảnh: P.N.

Tuy nhiên, định hướng của Bộ Công nghiệp là sau khi các nhà máy lọc hóa dầu trong nước đi vào hoạt động sẽ giảm dần xuất khẩu dầu thô (tỷ lệ 50/50). Xuất khẩu than cũng duy trì ở mức 11 triệu tấn trong hai năm tới và giảm dần xuống còn 8-9 triệu tấn vào năm 2010 để bảo vệ nguồn tài nguyên.

Trong nhóm sản phẩm khai khoáng, giai đoạn tới sẽ hướng vào khai thác có chọn lọc các loại khoáng sản đã được quy hoạch và đã qua chế tác. Định hướng này nhằm thay thế dần kim ngạch xuất khẩu nhóm nguyên - nhiên liệu. Như vậy, công tác cần làm là đẩy mạnh thăm dò, khai thác và chế biến tổ hợp đồng Sin Quyền, Bôxit nhôm Lâm Đồng để xuất khẩu; triển khai hợp tác đầu tư khai thác bô xít và sản xuất alumin xuất khẩu tại khu vực Đắc Nông với công suất 2 triệu tấn/năm.

Với nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tác, mục tiêu phấn đấu vào năm 2010 đưa tỷ trọng kim ngạch từ 50% hiện nay lên 60%-70%. Các sản phẩm chủ lực vẫn là dệt may và giày dép. Ngoài ra sẽ tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, có thị trường, có tiềm năng và mang lại giá trị gia tăng cao như: dây và cáp điện, linh kiện điện tử - máy tính, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí chế tạo.

Cụ thể hơn, số lượng và kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm chủ yếu là dầu thô 16 triệu tấn (vì còn để dành cung cấp cho nhà máy lọc dầu), than đá 8-9 triệu tấn, hàng dệt may 9-10 tỷ USD, giày dép 6 tỷ USD, điện tử và linh kiện máy tính 3,5 tỷ USD, sản phẩm gỗ 3,8 tỷ USD.

  • Phát triển thị trường xuất khẩu

Thị trường được xác định lớn nhất trong thời gian tới vẫn là châu Á. Thị trường này sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 36%-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2010, với tốc độ tăng trưởng bình quân 13%-15%/năm. Bước qua năm 2006, với việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+3, khả năng xuất khẩu vào thị trường châu Á sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu sẽ là Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công. Đây cũng là thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là dầu thô, than đá, dệt may, giày dép, điện tử, máy tính và linh kiện, dây và cáp điện, nhựa, gỗ, thủ công mỹ nghệ…

Bộ Công nghiệp cũng xác định thị trường châu Âu ngoài các nước xuất khẩu truyền thống sẽ tập trung mở rộng thị trường các nước Đông Âu, đặc biệt là thị trường Nga. Dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này trong giai đoạn tới tăng 19%/năm và chiếm tỷ trọng 20%-22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khu vực thị trường châu Mỹ được khuyến khích đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, xe đạp và phụ tùng xe máy. Trong đó chú ý tới thị trường Canada. Đây cũng là thị trường chiếm tỷ trọng đứng thứ hai, khoảng 29%-31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, các thị trường châu Phi, châu Đại Dương cũng được dự kiến sẽ tăng rất cao do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp còn rất lớn và xu hướng mở rộng hợp tác giữa ASEAN và Australia, New Zealand.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề là phải gắn việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp vào chuỗi sản xuất và lưu thông quốc tế, đặc biệt là mạng lưới của các công ty đa quốc gia.

Việc xây dựng hệ thống phân phối đang trở nên cấp bách với đẳng cấp chuyên nghiệp, bằng cách đổi mới phương thức bán hàng, hình thành các mạng lưới bán buôn, bán lẻ, chủ động tham gia vào các kênh phân phối của các tập đoàn xuyên quốc gia, phát triển hình thức thương mại điện tử...

Đồng thời, các doanh nghiệp phải triển khai một loạt biện pháp tạo dựng, xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu; nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp; cải tiến mẫu mã, áp dụng công nghệ và quản lý hiện đại để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục