Tập trung đầu tư hệ thống thoát nước

Những cơn mưa với tần suất cao đã khiến nhiều tuyến đường tại TPHCM không kịp thoát nước, gây ngập kéo dài. Nguyên nhân do hệ thống cống xuống cấp, thoát nước rất chậm, thậm chí có khu vực không thoát được nước. 

 

 

 Công trình thi công cống thoát nước trên đường Cao Lỗ (quận 8, TPHCM) đang được triển khai Ảnh: CAO THĂNG
Công trình thi công cống thoát nước trên đường Cao Lỗ (quận 8, TPHCM) đang được triển khai Ảnh: CAO THĂNG
Mới xong 1/3 hệ thống 

Điển hình, thời gian qua tại TPHCM xuất hiện thêm nhiều tuyến đường như Cây Trâm, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); một số khu dân cư ở phường Đông Hưng Thuận và Tân Chánh Hiệp (quận 12) hoặc Thành Mỹ (quận Tân Bình) - từ xưa vốn không ngập nhưng nay nước rút rất chậm, có khi bị ngập suốt nhiều ngày. 

Một vị ở Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (viết tắt TTCN) cho hay, theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với phạm vi 850km2 buộc phải đầu tư, nâng cấp, sửa chữa khoảng 6.000km hệ thống cống các loại, nhưng đến nay chỉ mới xong 2.550km. Với gần 2/3 hệ thống cống chưa được làm mới, chắc chắn tình hình ngập nước chưa được cải thiện nhiều, nhất là các khu vực vùng ven như Hóc Môn, Bình Chánh hay ở các  quận 8, 9, Bình Tân… 

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước (thuộc TTCN): “Hiện hệ thống cống phân cấp quá nhiều. Ngoài TTCN quản lý các tuyến cống chính, còn có Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn; riêng hệ thống thoát nước trên đường nhỏ, hẻm do quận - huyện quản lý”.  Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, nhiều khu vực bị ngập vừa qua là do hệ thống chưa đồng bộ. Hiện ở một địa phương có tối thiểu 2 đơn vị quản lý là TTCN và quận; có nơi 3 hoặc 4 đơn vị . Do đó khi phối hợp với nhau trong duy tu nạo vét hệ thống cống không nhịp nhàng. Cống ở đường lớn nạo vét xong nhưng trên đường nhỏ không nạo vét thì bùn đất lại chạy ra tuyến cống chính gây ùn tắc hoặc ngược lại. Vì vậy, nếu giao cả lưu vực cho một đơn vị quản lý sẽ thuận tiện và triển khai công việc duy tu đồng bộ hơn. Đồng thời, hiện ngân sách TP khó khăn nên không thể nạo vét hết toàn bộ hệ thống cống mà chỉ ưu tiên cho vùng bị ngập nặng. Nhưng vào mỗi cơn mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM vẫn chỉ nạo vét thủ công hoặc dùng máy bơm trợ lực hút nước tại vùng bị ngập. 

Cần phối hợp đồng bộ

Theo TTCN, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 - đang trong giai đoạn hoàn thành, sẽ giúp nước thoát nhanh hơn. 

Đại diện Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án) nhận xét, hiện do bất lợi từ biến đổi khí hậu (trong đó triều cường và mưa với vũ lượng lớn) đã làm nước mưa không thể thoát kịp. Đồng thời, mực nước triều cường cách đây 10 năm chỉ 1,32m nhưng nay đã lên tới 1,68m. Trong khi hệ thống thoát nước không được quy hoạch, đầu tư kịp thời nên gây ngập. Bên cạnh đó, việc bê tông hóa cao cũng khiến nước không thoát được. 

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 - khi hoàn thành sẽ giúp chống ngập trên diện tích 570km2 trên địa bàn các quận, huyện: 1, 4, 7, 8, Bình Chánh và Nhà Bè và ở các cửa sông. Dự án cũng có hạng mục ngăn triều tại các cửa sông và đê kè ở điểm xung yếu ven sông. Hệ thống chống ngập có chức năng bơm nước trong các kênh nội đồng ra khỏi cửa ngăn triều để giảm mực nước, nhằm tăng cường thoát nước trong khu đô thị. Bên cạnh đó cũng giữ được mực nước trong kênh rạch và có thể ngăn mặn. Tuy nhiên, dự án không thể giải quyết hiệu quả ngập nước nếu hệ thống cống vẫn bị tắc nghẽn. Vì vậy, rất cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý .

Tin cùng chuyên mục