LTS: Quan tâm theo dõi nội dung nghị sự tại kỳ họp Quốc hội, nhiều bạn đọc đã gửi mail đến Báo SGGP nêu ý kiến, kiến nghị về các vấn đề kinh tế - xã hội và thực thi pháp luật. Đặc biệt, tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách là vấn đề có nhiều ý kiến tập trung đề cập.
LÊ TRUNG DŨNG (quận 3, TPHCM): Đừng vung tay quá trán!
Bàn luận về những thông tin từ diễn đàn Quốc hội, người dân không khỏi băn khoăn chuyện nợ công, chuyện ồ ạt xây trụ sở và trung tâm hành chính hoành tráng và không khỏi giật mình trước những con số quá “khủng”. Trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương vẫn lo xây trung tâm hành chính quy mô lớn, tỉnh này ngầm cạnh tranh với tỉnh khác về sự bề thế và tổng mức đầu tư. Không khỏi giật mình về mức chi quá lớn cho những công trình không góp phần làm tăng thêm GDP cả nước, không mang lại bữa cơm đủ dinh dưỡng cho người lao động, không làm vơi đi nỗi đau của những bệnh nhân phải nằm vật vạ ngoài hành lang bệnh viện... Trước phản ứng của dư luận, nhiều nơi đã lên tiếng phân bua rằng việc xây dựng trung tâm hành chính là “đúng quy trình”, không sử dụng nguồn vốn ngân sách mà bằng phương thức này nọ, hoặc đổi đất… Dù không phải từ nguồn vốn ngân sách, bất kể từ nguồn vốn nào khác, cũng đều là tài sản của xã hội. Những công trình đầu tư xây dựng phải được sử dụng hiệu quả, ưu tiên phục vụ lợi ích của người dân.
Tháng trước, Việt Nam phải vay gần 300 triệu USD từ nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy 2. Nghe tin này, ai cũng mừng và người mừng nhất là các bệnh nhân từ các tỉnh - thành đang chống chọi với bệnh tật và điều kiện chữa trị thiếu thốn. Mong sao các địa phương đều có thêm nhiều công trình đầu tư xây bệnh viện, trường học, cầu qua sông, suối…, thay vì cứ ùn ùn dồn tiền xây trụ sở, trung tâm hành chính. Xin đừng vung tay quá trán!
TRẦN VĂN PHONG (quận 5, TPHCM):Siết chặt việc sử dụng xe công
Nghe thông tin về chi phí quá lớn cho việc sử dụng xe công ở nước ta, dư luận lo ngại vì có sự lãng phí lớn (trong bối cảnh bội chi ngân sách liên tục tăng, đe dọa an toàn nợ công) và cho rằng cần phải kiểm tra, chấn chỉnh việc sử dụng xe công lãng phí. Thực tế ở nhiều nơi đang có tình trạng sử dụng xe công không đúng quy định, không đúng đối tượng. Vẫn phổ biến việc dùng xe công để đi việc riêng, thậm chí để đi chùa, đi đánh tennis.
Để thắt chặt chi tiêu, việc trước hết cần làm là tổng rà soát về quản lý, sử dụng xe công, để có các biện pháp chấn chỉnh tức thời, như truy thu với các trường hợp mua xe vượt quy định hay sử dụng xe sai mục đích, tính toán bù chi phí đi lại vào lương với cán bộ. Sau khi rà soát, sẽ cắt giảm số lượng xe công, bán đấu giá sung công quỹ để vừa tăng nguồn thu cho ngân sách vừa giảm chi phí xe công.
Ngày 4-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2015/QĐ-TTg về quản lý sử dụng xe công. Tuy nhiên, vẫn còn có điểm chưa hợp lý, chưa thực sự tiết kiệm, khi cào bằng về tiêu chuẩn, về định mức mua xe, định mức hỗ trợ tiền xăng xe đi lại cho cán bộ lãnh đạo giữa các tỉnh - thành có số thu ngân sách lớn với các tỉnh - thành ít dân, đang còn nhận trợ cấp ngân sách của Trung ương. Như vậy rất dễ làm cho cán bộ của các địa phương nghèo có tâm lý ỷ lại, chi tiêu lãng phí. Tôi rất đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc đưa vào nội dung nghị quyết kỳ họp lần này việc giao Chính phủ thực hiện khoán xe công cho một số chức danh. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới và tiết kiệm chi tiêu. Đặc biệt, cũng cần phải có kiểm tra, có chế tài nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, ngoài việc buộc bồi hoàn chi phí, còn phải kỷ luật.
Y VĂN (quận 1, TPHCM): Quốc hội nên có nghị quyết về tiết kiệm ngân sách
Trong hoàn cảnh mất cân đối ngân sách, thu không đủ chi, giải pháp cấp bách nhất là phải ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến về việc thắt chặt chi tiêu ngân sách theo hướng giảm tối đa các chi phí hội nghị, đi nước ngoài, xây trụ sở; đề nghị chỉ dùng vốn bán cổ phần nhà nước ở các tổng công ty để đầu tư phát triển và xây trường học, bệnh viện…
Thiết nghĩ đã đến lúc Quốc hội cần ban hành một nghị quyết về tiết kiệm ngân sách để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cân đối lại chi tiêu công với tinh thần “tiết kiệm là quốc sách”, nhất là giảm mạnh các khoản chi xe công, hội họp, xây trụ sở, xây quảng trường, đồng thời tinh giản biên chế. Kèm theo đó là cơ chế thưởng với các trường hợp thực hành tiết kiệm hiệu quả và phạt với các trường hợp lãng phí. Một khi Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương gương mẫu thực hành tiết kiệm, tập trung nguồn tài chính cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội, sẽ tác động đến ý thức chống lãng phí trong nhân dân và chắc chắn sẽ được người dân ủng hộ, tạo hiệu ứng trong xã hội.