Tàu cánh ngầm “Sức yếu” vì… tuổi cao!

Tuổi cao thì thường sức sẽ yếu. Những chiếc tàu cánh ngầm cũng không thoát khỏi quy luật đó.
Tàu cánh ngầm “Sức yếu” vì… tuổi cao!

Tuổi cao thì thường sức sẽ yếu. Những chiếc tàu cánh ngầm cũng không thoát khỏi quy luật đó.

Vài dẫn chứng

Khoảng 8 giờ ngày 24-8, tàu cánh ngầm mang số hiệu Greenlines B5 chạy theo lộ trình từ TPHCM đi Vũng Tàu, khi ra đến cửa biển khu vực vịnh Gành Rái đã bị sóng lớn đánh vỡ tan kính trước mũi tàu. Mặc dù lái tàu đã nỗ lực khắc phục, đưa tàu về đến cảng Cầu Đá - Vũng Tàu an toàn thế nhưng sự cố cũng khiến hành khách một phen hoảng loạn khi nước biển tràn ào ạt vào tàu từ ô cửa kính bị vỡ.

Trước đó, lúc 13 giờ 30 ngày 26-7, tàu cánh ngầm cũng của hãng Greenlines chở gần 100 hành khách từ Vũng Tàu về TPHCM, khi đến khu vực sông Lòng Tàu thì tự dưng… chết máy. Khi đang trôi tự do trên sông, tàu va mạnh vào cọc tiêu và bị nghiêng sang một bên, khoang cuối của tàu bị nước tràn vào, khói đen từ buồng máy bốc lên nghi ngút. Nhiều hành khách không giữ được bình tĩnh cự cãi với nhân viên tàu vì không được gọi cứu hộ. Sau đó, nhiều hành khách tự lấy điện thoại di động của mình gọi cảnh sát cứu hộ.

Trước đó cũng đã từng xảy ra những sự cố dở khóc dở cười liên quan đến tàu cánh ngầm. Chẳng hạn như đang trên hành trình từ Vũng Tàu về TPHCM, đến khu vực vịnh Gành Rái, tàu cánh ngầm chết máy và trôi tự do trên biển, đâm vào tàu chở dầu đang neo đậu gần đó. Lực va chạm mạnh khiến mũi tàu cánh ngầm bị vỡ một đoạn dài khoảng 1m, cửa kính ở khoang đầu cũng bị vỡ. Hàng trăm hành khách trên tàu nháo nhào trong âm thanh khóc thét của trẻ em. Sau đó một chiếc tàu cánh ngầm khác được điều động ra ứng cứu. Lần khác, một chiếc tàu cánh ngầm từ TPHCM đi Vũng Tàu, đến khu vực Bãi Trước thì bị sóng đánh vỡ kính ở khoang trên. Hơn 70 hành khách và hành lý đều bị ướt sũng do nước tràn vào.

Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng CSGT đường thủy thành phố cho biết chỉ tính từ tháng 1-2011 đến tháng 7-2013, trên các tuyến sông do TPHCM quản lý đã xảy ra 36 vụ TNGT đường thủy. Trong đó, luồng hàng hải 16 vụ, đường thủy nội địa 20 vụ. Đáng chú ý là hoạt động của tàu cao tốc cánh ngầm chạy trên tuyến TPHCM - Vũng Tàu đã xảy ra hàng chục trường hợp tai nạn và sự cố. Nguyên nhân xảy ra tai nạn tập trung vào lý do máy móc cũ kỹ, đã qua sử dụng nhiều năm, tức hoàn toàn không đảm bảo ATGT. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 14 sự cố do hỏng động cơ hoặc phương tiện không đạt được tốc độ, trong đó tháng 7-2013 xảy ra 8 sự cố. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM, những con số này chưa đầy đủ bởi trên thực tế, các sự cố chắc chắn còn cao hơn nhiều, nhưng không được báo cáo.

Tàu cánh ngầm “Sức yếu” vì… tuổi cao! ảnh 1

Một trong những tàu cánh ngầm chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Không thể không “trẻ hóa”

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy trên địa bàn thành phố có 17 tàu cánh ngầm thuộc 3 doanh nghiệp hoạt động tại cảng Bạch Đằng - quận 1. Cụ thể Công ty TNHH Dòng Sông Xanh tên thương mại là Greenlines có 10 phương tiện, Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina –quen gọi là Vina Express có 3 chiếc, số còn lại thuộc về Công ty TNHH vận tải Quang Hưng - tên giao dịch là Petro Express.

Các sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm từ trước đến nay, tựu trung có 3 nguyên nhân chính: lỗi từ bản thân phương tiện, lỗi chủ quan của người điều khiển tàu và lý do khách quan như thời tiết, khí hậu. Trong số này, đa phần là do lỗi phương tiện và hầu hết là do tàu đã quá cũ kỹ. Trên thực tế, toàn bộ 17 tàu cánh ngầm đang hoạt động đều đã được đóng từ nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Chiếc “trẻ” nhất được đóng năm 1996, trong khi hơn 10 chiếc được đóng trong hai năm 1990 - 1991. Nói cách khác, đa phần tàu cánh ngầm hoạt động chở khách trên tuyến TPHCM - Vũng Tàu đều đã có tuổi thọ hơn 20 năm, quá “cao niên” đối với loại hình phục vụ có tính cao cấp và chuyên biệt này!

Chưa hết, vẫn liên quan đến lỗi phương tiện người ta còn ghi nhận có những tàu chỉ được trang bị một máy trong khi nguyên tắc đi biển là tàu phải có 2 máy, tức là luôn luôn phải có một máy đóng vai trò dự phòng khi máy kia gặp sự cố. Một giới chức có thẩm quyền nhận định rằng, phải có biện pháp chế tài đối với phương tiện không trang bị đủ 2 máy theo yêu cầu bằng cách không cho đưa vào khai thác.

Giờ giấc chạy tàu cũng cần phải xem xét lại nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố. Chính xác là cần thay đổi giờ xuất phát của chuyến cuối cùng trong ngày, cho cả hai đầu bến TPHCM và Vũng Tàu, ít nhất phải thay đổi trong mùa mưa bão. Bởi vì với biểu đồ chạy tàu lâu nay, chuyến cuối cùng trong ngày khi gần tới bến cũng là lúc sụp tối, đồng nghĩa ảnh hưởng tới tầm nhìn của người điều khiển tàu cánh ngầm.

Đối với lý do liên quan đến người điều khiển, các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là tăng cường công tác kiểm tra, sát hạch năng lực của thuyền trưởng. Có sự lấn cấn liên quan đến bằng lái của thuyền trưởng tàu cánh ngầm. Hiện nay, các thuyền trưởng tàu cánh ngầm chỉ có bằng lái đường sông hạng 1 trong khi lộ trình tàu cánh ngầm từ thành phố đi Vũng Tàu, và ngược lại, có một đoạn chạy trên biển. Câu hỏi đặt ra là liệu bằng lái đường sông có đủ điều kiện để lái trên đường biển hay không? Cơ quan chức năng cần sớm giải đáp.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục