Taxi - trợ thủ xe buýt

Taxi - trợ thủ xe buýt

Trong tất cả các nghiên cứu, hoạch định được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thúc đẩy gần đây liên quan đến taxi trên địa bàn thành phố tầm nhìn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, có một điểm nhấn đáng chú ý đó là taxi phải bổ sung cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Lượng và chất còn so le

Taxi thành phố từ bao đời nay đã ngổn ngang vô số chuyện cần làm, thuộc loại “biết rồi, khổ lắm” mà tiêu biểu là nạn taxi dù, taxi ma hoặc taxi thương hiệu nhưng xem thường hành khách nếu đi lộ trình ngắn (thường xảy ra tình trạng này ở sân bay), hoặc đó đây có những bác tài taxi vẫn phóng xe bạt mạng trên đường chỉ vì giành khách hoặc vì những lý do vu vơ không tên khác!

Taxi giúp đưa đón hành khách thuận lợi (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Thống kê của ngành chức năng cho thấy toàn thành phố hiện có khoảng 10.000 taxi thuộc hàng chục công ty, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã dịch vụ vận tải taxi. Đối với một siêu đô thị như TPHCM, số lượng taxi như thế không phải nhiều, quanh đi quẩn lại chủ yếu là các thương hiệu Mai Linh, Vinasun, Vinataxi hoặc Taxi Sân bay…, trong đó hơn một nửa thuộc về hai thương hiệu Mai Linh và Vinasun. Ngay như Công ty Phương Trang khá đình đám trong hoạt động vận tải hành khách và nằm trong tốp 3 doanh nghiệp có nhiều taxi nhất thành phố cũng chỉ có vài trăm đầu xe.

Có một thực tế là hiện nay đang thiếu vắng sự đầu tư của Nhà nước đối với loại hình taxi, hầu hết bến bãi và phương tiện taxi hiện hữu đều do doanh nghiệp tự đầu tư hoặc thỏa thuận hợp tác với nhà ga, bến xe, các tụ điểm công cộng để hình thành bến bãi cho taxi của hãng mình.

Giải pháp nào?

Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn tiếp diễn mạnh mẽ tại thành phố. Điều này đồng nghĩa nhu cầu đi lại của các tầng lớp dân cư cũng tăng lên, từ đó đòi hỏi dịch vụ vận tải hành khách cũng phải tăng lên tương xứng. Cách đây 4 năm, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT và sở này đã giao cụ thể cho Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM tiến hành thực hiện dự án “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố, giai đoạn đến năm 2025”.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT, yêu cầu hàng đầu đặt ra trong công tác quy hoạch taxi là việc hình thành và phát triển mạng lưới vận tải hành khách bằng taxi phải bổ sung, phối hợp với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các quy hoạch phát triển khác trên địa bàn thành phố. “Chỉ có như thế mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của quá trình đô thị hóa trong khu vực”, ông Minh nhấn mạnh.

Trong rất nhiều nội dung nghiên cứu quy hoạch taxi được Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM xúc tiến xây dựng, tất cả đều nhằm mục đích cuối cùng là quản lý cho được hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn. Sự quản lý đó thể hiện cụ thể qua việc nắm chắc các mặt: nắm đầy đủ và kịp thời số lượng phương tiện; chất lượng dịch vụ; đề xuất các mô hình, phương pháp tính giá cước, cách điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực; xây dựng mô hình phối hợp giữa taxi với xe buýt và sẵn sàng đưa ra các kịch bản điều chỉnh hoạt động của taxi một cách hợp lý…

Đề án quy hoạch cũng phải tính tới một định đề: “Taxi được xem là phương tiện cá nhân hay phương tiện vận tải công cộng” bởi vì từ quyết sách ấy, việc quản lý và phát triển taxi sẽ thỏa đáng hơn. Nếu được xem như phương tiện cá nhân, taxi sẽ theo lộ trình hạn chế của Nhà nước, ngược lại nếu được xem là một loại hình vận tải hành khách công cộng thì taxi cần được hỗ trợ để phát triển.

Nội dung cơ bản của nghiên cứu quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TPHCM đến năm 2025

* Nghiên cứu sơ khởi, bao gồm cơ sở pháp lý quy hoạch và đối chiếu các quy hoạch cấp trên hoặc ngang cấp liên quan.

* Điều tra, khảo sát và dự báo phát triển taxi đến năm 2025, trong đó một trọng tâm là khảo sát quan hệ giữa vận tải hành khách công cộng nói chung với vận tải hành khách bằng taxi nói riêng với sử dụng đất đô thị trên địa bàn thành phố.

* Quy hoạch phát triển vận tải taxi đến năm 2025 trong đó xác định quy mô taxi, cả về chất lượng lẫn số lượng, đề xuất mô hình doanh nghiệp taxi cũng như quy hoạch khu vực đỗ xe phục vụ kết hợp giữa đường sắt đô thị, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi; xác định quỹ đất dành cho đỗ xe qua đêm, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa.

* Những đề xuất nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng taxi trong đó thể hiện quan điểm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi với những giải pháp cụ thể.

* Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển bền vững vận tải hành khách bằng taxi.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục