
Tình trạng các doanh nghiệp (DN) làm ăn gian dối như cân đong không đầy đủ số lượng, thêm các chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng vào trong sản phẩm, vi phạm luật lao động như sử dụng lao động trẻ em, không ký kết hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân và có những hành vi cố ý gây ảnh hưởng xấu cho môi trường để trục lợi cho bản thân (như Công ty Vedan chẳng hạn) đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Sở dĩ tình trạng này tồn tại dai dẳng là do sự chế tài của nhà nước đối với các hành vi man trá của DN không đủ mạnh, không đủ sức răn đe. Đặc biệt, nó không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích kinh tế của những DN làm ăn bất minh. Nhiều DN sẵn sàng nộp phạt về hành vi vi phạm môi trường chứ không xây dựng các hệ thống xử lý nước thải vì tiền nộp phạt rẻ hơn nhiều so với đầu tư cho hệ thống nước xả đã qua xử lý; hoặc như việc thu lợi từ hành vi gian lận trong đong đo xăng dầu cũng cao hơn nhiều số tiền bị phạt nếu bị phát hiện…

Như vậy, trước việc các DN không sợ sự trừng phạt của pháp luật (vì hình phạt quá nhẹ hay không bị phạt do mua chuộc) đối với những hành vi gian dối của mình thì chỉ còn một cách để các DN phải thức tỉnh là người tiêu dùng cùng tẩy chay sản phẩm của họ.
Ở nước ta, việc tẩy chay các sản phẩm được làm từ các nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường hoặc từ việc sử dụng lao động trẻ em, lao động bất hợp pháp là điều chưa có tiền lệ, nhưng ở các nước phát triển, đó là chuyện thường tình. Chẳng hạn để tỏ lòng đoàn kết với nhân dân Palestine trong cuộc xung đột với Israel, nhiều nhóm sinh viên Âu châu đã từng đi phát tờ rơi kêu gọi mọi người tẩy chay các sản phẩm có xuất xứ từ Israel chẳng hạn.
Theo tôi việc người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của những công ty, DN làm ăn không chân chính sẽ là một sự trừng phạt thích đáng nhất và nặng nề nhất, bởi điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho một công ty, một DN. Chính vì có sức mạnh chế tài lớn như vậy nên chắc chắn các DN sẽ không dám làm bậy, làm ẩu như trường hợp của Vedan và các hãng sản xuất nước tương “đen”, các cây xăng “đen” như chúng ta đã phát hiện.
Không nên lập luận rằng làm cho một DN phải đóng của thì ảnh hưởng đến đời sống của công nhân. Theo tôi lập luận kiểu này mang tính ngụy biện vì công nhân không hề được hưởng lợi từ các hành vi gian dối của các DN, mà chỉ có giới chủ được hưởng lợi mà thôi. Đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam cần phải tiêu dùng “thông minh” hơn, tức chỉ sử dụng những sản phẩm của những DN “sạch” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của những DN làm ăn gian dối, cẩu thả, gây ô nhiễm môi trường…
Với việc chế tài còn nhẹ “tựa lông hồng” như hiện nay thì chỉ có sự chế tài của người tiêu dùng mới là cách để loại trừ sự tồn tại của những “doanh nghiệp đen” như Vedan trong tương lai.
LÊ TIẾN