Hiện nay trên thế giới, công nghệ chiếu sáng LED (Light Emitting Diode) được xem là công nghệ chiếu sáng cho thế kỷ 21 với ưu điểm cho hiệu suất phát quang liên tục tăng cao. Đèn LED còn ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực và thân thiện với môi trường, trong đó xu hướng sử dụng LED trong chiếu sáng công cộng đang nghiên cứu để ứng dụng đại trà. Thế nhưng hiện nay tại Việt Nam, vẫn còn quá nhiều thách thức và rào cản trong việc phát triển công nghệ LED, ngay cả khi hiệu quả ứng dụng của nó trong chiếu sáng đã được khẳng định từ lâu.
180 tỷ đồng/năm cho chiếu sáng công cộng
Với sự phát triển của công nghệ LED, vài năm tới LED sẽ hoàn toàn thay thế các loại đèn khác. Phối hợp LED và công nghệ pin mặt trời, năng lượng điện từ gió là xu hướng phát triển tất yếu trong chiếu sáng đô thị công cộng tiết kiệm và hiệu quả. Các nhà chế tạo đèn Việt Nam và các công ty chiếu sáng đô thị đang nhanh chóng nắm bắt công nghệ này. Đèn LED sử dụng cho các công trình công cộng thường được sử dụng trong thời gian dài, tối thiểu là ban đêm vì vậy việc lựa chọn những sản phẩm siêu tiết kiệm là điều cần thiết. Vừa tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, vừa tiết kiệm điện năng cho quốc gia.
Nhóm nghiên cứu đèn LED thuộc Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, khả năng tiết kiệm năng lượng mà đèn LED mang lại rất rõ, tiết kiệm 50%-70% so với các đèn truyền thống, đặc biệt là đèn thủy ngân cao áp. Ngoài ra, tuổi thọ tăng 5-10 lần so với đèn ống huỳnh quang đang sử dụng rộng rãi hiện nay nên được ứng dụng rất hiệu quả trong chiếu sáng, đặc biệt là chiếu sáng công cộng. Liên quan đến lĩnh vực chiếu sáng công cộng, tại hội thảo “LED - Kỷ nguyên chiếu sáng mới” vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết, hiện nay số tiền mà TP chi cho chiếu sáng công cộng trên địa bàn là 180 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn, do đó TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải kiểm tra, kiểm soát công tác chiếu sáng, tìm kiếm, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành chiếu sáng để tiết kiệm điện.
Hệ thống chiếu sáng đèn LED trên cầu Thủ Thiêm TPHCM (Ảnh: HÀ PHƯƠNG)
Theo số liệu từ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở KH-CN TPHCM), trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng hiện đang sử dụng trên địa bàn TP, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4%, đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS từ 100 đến 150W chiếm 58,5%. Theo tính toán của trung tâm này, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất 65-200W, TPHCM sẽ tiết kiệm được khoảng 55.315.699 kWh/năm, tương ứng khoảng 88 tỷ đồng, đồng thời giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường/năm.
TS Lê Hải Hưng, Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho biết, ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng không chỉ tiết kiệm được năng lượng mà chi phí cho bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng giảm đáng kể, tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Mặc dù đã có nhiều địa phương quan tâm tới việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng, đồng thời khuyến khích các cơ quan nhà nước sử dụng đèn LED tại các vị trí thích hợp nhằm tiết kiệm điện như TPHCM đã đưa vào thí điểm thay thế và sử dụng đèn LED thay thế đèn cao áp trên đường Thành Thái, cầu Thủ Thiêm... Tuy nhiên, việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng hoặc thí điểm.
Cơ hội và rào cản
Đèn LED hiện nay được xem là kỷ nguyên chiếu sáng mới vì loại đèn này có hiệu quả kinh tế cao, như tiết kiệm chi phí năng lượng trong sản xuất và tiêu thụ; công nghệ sản xuất “xanh”; tiết kiệm chi phí bảo trì thay thế; tuổi thọ cao; giảm thiểu tác hại tới môi trường… Không chỉ được ứng dụng trong chiếu sáng công cộng mà đèn LED còn có khả năng ứng dụng đa dạng và linh hoạt trên nhiều lĩnh vực.
Theo các chuyên gia, hiện công nghệ LED tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vì Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển năng động, quá trình đô thị hóa cao dẫn đến yêu cầu về chiếu sáng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện Chính phủ cũng đã có Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để khuyến khích sản xuất các sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Bên cạnh những cơ hội thì công nghệ LED Việt Nam vẫn đang đứng trước những rào cản, thách thức nhất định. Đại diện Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, tại Việt Nam có khoảng 200 cơ sở sản xuất lắp ráp và phân phối các sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED nhưng các sản phẩm này đang trong tình trạng trôi nổi, mất kiểm soát, xuất xứ đèn LED trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm của Trung Quốc. Hiện trên thị trường không ít các DN đã đầu tư công nghệ để tạo ra các sản phẩm đèn LED thương hiệu Việt nhưng khó cạnh tranh với giá các loại đèn LED trôi nổi trên thị trường. Theo cơ quan này, một trong những lý do mà các DN Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ này là do chưa có tiêu chuẩn quốc gia về đèn LED. Đây cũng là rào cản làm cho các nhà sản xuất đèn chiếu sáng không dám mạnh dạn đầu tư và kinh doanh các thiết bị chiếu sáng theo công nghệ này.
Hưởng ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 của Thủ tướng Chính phủ, không ít DN cũng đã đầu tư và sản xuất đèn LED, nhưng theo các DN, việc ứng dụng công nghệ này vào thực tế hiện gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty Bóng đèn Điện Quang cho biết, với tổng số vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip LED siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao, công ty này muốn từng bước hiện thực hóa mục tiêu nội địa hóa các dòng sản công nghệ, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Hiện công ty đã sản xuất được 300 sản phẩm chiếu sáng đèn LED các loại trên thị trường nhưng gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh về giá đối với các hàng trôi nổi. Năm 2016 công ty dự kiến sẽ cho ra thêm 200-300 loại đèn LED mới nghiêng về đèn chiếu sáng thông minh. Mục tiêu của Điện Quang đối với dự án này là muốn nghiên cứu để phát triển dòng sản phẩm mới, làm sao để nội địa hóa càng sâu càng tốt để có thể giảm giá thành sản phẩm trên thị trường, giúp người tiêu dùng Việt được sử dụng được các sản phẩm chất lượng cao với giá thành tốt nhất.
BÌNH KHÔI