Thái Lan bầu cử trong căng thẳng

Đúng như dự đoán, lúc 8 giờ (giờ địa phương) sáng 2-2, cuộc tổng tuyển cử gây nhiều tranh cãi tại Thái Lan diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
Thái Lan bầu cử trong căng thẳng

Đúng như dự đoán, lúc 8 giờ (giờ địa phương) sáng 2-2, cuộc tổng tuyển cử gây nhiều tranh cãi tại Thái Lan diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.

        Chia rẽ sâu sắc

Theo hãng tin Bangkok Post, các cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong bối cảnh những người biểu tình chống chính phủ gây sức ép khiến hơn 10% điểm bỏ phiếu tại 12 tỉnh miền Nam và một số khu vực bầu cử tại thành phố Bangkok phải đóng cửa. Tại nhiều tỉnh phía Nam, những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục cắm trại bên ngoài các bưu điện ở Chumphon, huyện Thung Song tỉnh Nakhon Si Thammarat; huyện Hat Yai, tỉnh Songkhla để cản trở việc giao phiếu bầu cử. Tại tỉnh cực Nam Pattani, nhiều cử tri đã tức giận trước các cuộc phong tỏa này. Một số người đã tụ tập trước trụ sở tỉnh Pattani để yêu cầu được thực hiện quyền bầu cử.

Tình trạng thiếu nhân viên và phiếu bầu cũng khiến hơn 100 điểm bầu cử tại Thái Lan buộc phải đóng cửa. An ninh đã được thắt chặt trong cuộc bầu cử được đánh giá có thể đẩy đất nước tới những hỗn loạn và chia rẽ sâu sắc hơn. Hơn 130.000 nhân viên an ninh đã được triển khai trên khắp cả nước, trong đó riêng thủ đô Bangkok có tới 12.000 người. Các điểm bầu cử đóng cửa vào 15 giờ cùng ngày và kết quả cuộc bầu cử sẽ không có ngay trong ngày. Ngay trong buổi sáng, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Trường Klong Lam Chiak gần tư dinh của bà ở Bangkok. Khoảng 165 cảnh sát được triển khai từ Chiang Mai tới bảo vệ tư dinh của bà Yingluck.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck bỏ phiếu bầu tại Bangkok.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck bỏ phiếu bầu tại Bangkok.

An ninh được tăng cường do những vụ đối đầu bạo lực giữa phe ủng hộ và chống đối chính phủ diễn ra liên tiếp trong ngày 1-2. Những tiếng nổ xuất hiện tại một văn phòng bầu cử ở khu vực ngoại ô Laksi của Bangkok, làm ít nhất 6 người bị thương, trong đó có một phóng viên người Mỹ. Văn phòng trên là nơi cất giữ các thùng phiếu và đã bị người biểu tình bao vây hòng làm gián đoạn cuộc bầu cử. Giới an ninh Thái Lan cho rằng, đây là bom xăng. Sau đó là những tiếng súng lớn, liên hồi bắn qua lại làm mọi người hoảng sợ la hét. Một đám đông ủng hộ chính phủ đã giận dữ dùng những cây gậy lớn đập vỡ cửa kính một chiếc xe chở người biểu tình. Hai phe còn tấn công nhau bằng gạch đá và pháo nổ làm nhiều người bị thương. Theo thống kê của báo Nation, có ít nhất 40 tiếng súng và tiếng nổ đạn pháo. Những vụ bạo lực là một phần của cuộc đấu tranh kéo dài nhiều tháng qua do phe biểu tình, những người đã chiếm giữ khoảng 6 giao lộ chính tại Bangkok, đang tìm cách lật đổ chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

        Không thể ăn mừng

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva khẳng định không đi bỏ phiếu ngày 2-2 và gọi cuộc bầu cử này là “vi hiến”, nhưng các thành viên khác của đảng này được tự do quyết định muốn bỏ phiếu hay không. Ủy ban bầu cử Thái Lan đang lo ngại về khả năng có rất nhiều khiếu kiện và có thể quá ít nghị sĩ được bầu hợp pháp để thành lập Quốc hội mới.

Dù vậy, bà Yingluck được nhận định sẽ thắng cử trong cuộc bỏ phiếu này, nhờ sự hậu thuẫn lớn từ các khu vực phía Bắc và Đông Bắc. Nhưng bất ổn cũng đe dọa kết quả bầu cử, khi nhiều khu vực bầu cử không có ứng viên. Với sự tẩy chay từ phe đối lập, bà Yingluck không đủ số ghế thành lập Quốc hội. Những gì diễn ra tại Bangkok khiến dư luận lo ngại về lịch sử sẽ lặp lại với những vòng bầu cử, cuộc biểu tình chống chính phủ từng dẫn đến vụ đổ máu năm 2010. Bên cạnh đó là khả năng cuộc bầu cử bị hủy bỏ do tình trạng khiếu kiện dự đoán sẽ gia tăng sau bầu cử khi đảng Dân chủ tẩy chay bỏ phiếu.

Theo Bangkok Post, tỷ lệ bỏ phiếu của cử tri tại 93.952 điểm bầu cử là 89%. Những người không thể tham gia cuộc bỏ phiếu trước vào ngày 26-1 vừa qua do bị người biểu tình ngăn cản sẽ có quyền tham gia cuộc bỏ phiếu bổ sung vào ngày 23-2 tới.

Cùng ngày, thủ lĩnh cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban dọa sẽ kiện Thủ tướng tạm quyền nước này Yingluck Shinawatra vì đã lãng phí tiền bạc trong việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong ngày 2-2. Ông Suthep cáo buộc nội các của bà Yingluck đã lãng phí khoảng 3,8 tỷ baht (117,7 triệu USD) tiền chi tiêu thuế sau khi không tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử.

THANH HẰNG (tổng hợp)

>> Thái Lan bắt đầu bầu cử trong hỗn loạn

Tin cùng chuyên mục