Ngày 3-2, một ngày sau khi cuộc bầu cử diễn ra, người biểu tình Thái Lan phớt lờ kết quả dự đoán bầu cử và tiếp tục lên kế hoạch biểu tình nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Bầu cử kết thúc nhưng không thể thay đổi sự chia rẽ ở Thái Lan với một bên là tầng lớp trung lưu tập trung ở Bangkok và một bên là đa số người nghèo ở các vùng nông thôn ủng hộ gia đình Shinawatra.
Chưa có kết quả chính thức
Ngày 3-2, người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan tiếp tục dựng lều trại biểu tình ở phía Bắc thủ đô Bangkok. Họ bao vây một văn phòng chính phủ, nơi Thủ tướng tạm quyïền Yingluck đang tổ chức một cuộc họp. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tuần hành quy mô lớn hơn ở trung tâm thủ đô và thúc đẩy kế hoạch hủy kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hôm 2-2. Người biểu tình đã kêu gọi các ủng hộ viên “tiếp tục chiến đấu” và tập trung thành các đám đông ở thủ đô Bangkok.
Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cũng nhóm họp để tìm giải pháp cho các đơn vị bầu cử đã không thể tiến hành bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Tuy cuộc bầu cử đã diễn ra trong hòa bình và được tiến hành ở 90% các đơn vị bầu cử, song việc nhiều cử tri không thể bỏ phiếu ở một số khu vực cho thấy khủng hoảng chính trị ở Thái Lan sẽ tiếp tục kéo dài nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng nữa, cho tới khi các cuộc bầu cử bổ sung mới được tổ chức.
Theo thống kê, trên cả nước, bầu cử bị gián đoạn tại 18 trong tổng số 77 tỉnh. Mặc dù công việc kiểm phiếu được tiến hành ngay sau khi đóng hòm phiếu tại hơn 80.000 điểm bỏ phiếu, nhưng EC cho biết kết quả bầu cử cũng như kết quả kiểm phiếu sẽ không được công bố.
Như vậy, cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan sẽ chưa có ngay kết quả sơ bộ mặc dù giới phân tích dự đoán chiến thắng nhiều khả năng vẫn thuộc về đảng Pheu Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Vòng bầu cử bổ sung được lên kế hoạch là ngày 23-2.
Khả năng bạo lực leo thang
Thủ tướng tạm quyền Yingluck tuyên bố hài lòng với kết quả bầu cử và đây là điểm khởi đầu để giải quyết vấn đề thông qua tiến trình dân chủ. Chính phủ lâm thời hết lòng hỗ trợ các vòng bầu cử bổ sung trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chalerm Yubamrung ước tính đảng Pheu Thai sẽ giành được 265-289 ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử lần này. Hồi năm 2011, đảng Pheu Thai giành trên phân nửa 500 ghế ở Quốc hội.
Tuy nhiên, từ nay đến khi kết quả chính thức được công bố và sau đó là nhóm họp Quốc hội và bầu Thủ tướng, lập ra một chính phủ mới, chính phủ tạm quyền hiện nay của bà Yingluck sẽ tiếp tục điều hành đất nước, nhưng với một vai trò bị hạn chế so với một chính phủ bình thường theo luật định.
Tình trạng bầu cử bị gián đoạn có nghĩa phải mất thêm vài tuần nữa, Quốc hội Thái Lan mới có thể triệu tập đầy đủ nghị sĩ và bà Yingluck sẽ tiếp tục là thủ tướng tạm quyền, không có quyền ra chính sách.
Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan đã kết thúc và được coi là thắng lợi tạm thời của đảng Pheu Thai, cũng như chính phủ của bà Yingluck, nhưng tình hình Thái Lan nhiều khả năng vẫn phức tạp trong thời gian tới.
Giới quan sát nhận định cuộc bầu cử không thể thay đổi tình trạng rối ren của một đất nước nổi tiếng với du lịch nhưng rơi vào tình trạng phân cực trong 8 năm qua. Khủng hoảng vẫn tiếp tục, sự chia rẽ vẫn còn đó và có khả năng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang là điều không thể tránh khỏi.
HẠNH CHI (tổng hợp)
>> Thái Lan bầu cử trong căng thẳng