Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về kết luận điều tra của Công an TP Huế qua vụ án hàng loạt thiếu nữ bị vật nhọn đâm vào “vùng kín”. Kết quả điều tra cho thấy, kẻ thủ ác với 8 vụ nữ sinh là cùng một người, từng tốt nghiệp loại giỏi Khoa Du lịch (ĐH Huế), được xét trao học bổng ở Singapore, hiện đang có việc làm ổn định với thu nhập khá tại một khách sạn lớn trên địa bàn TP Huế.
Vậy vì sao một thanh niên có học thức khá, nhân thân “sạch sẽ”, không gặp bất kỳ rắc rối nào về mặt gia đình hay tình cảm lại trở thành thủ phạm gây ra hàng loạt hành vi biến thái đến vậy? Mặc dù đã có ý kiến giám định tâm thần của kẻ thủ ác, cũng như yêu cầu xem xét lại thói quen thường xuyên xem phim bạo lực của cậu ta, nhưng dường như tất cả những điều đó chưa thể khiến dư luận an lòng.
Học thức, trong trường hợp này không mang ý nghĩa giảm nhẹ tội mà còn khiến người ta hoài nghi đặt câu hỏi phải chăng sau vỏ bọc tri thức đó, cậu thanh niên ấy có được trang bị hiểu biết đầy đủ về mặt pháp luật, đạo đức trước khi gây tội ác hay không? Ở tuổi 23, không thể xem hành vi của cậu đơn giản chỉ là sự đua đòi, bắt chước phim ảnh người lớn mà cần đánh giá cậu với tư cách một người trưởng thành, có đầy đủ ý thức và khả năng tự chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra.
Khi vụ việc chưa có lời kết thì mới đây, tại hội thảo “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng - Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu y - xã hội phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam tổ chức đã công bố một kết quả khảo sát khiến tất cả mọi người giật mình.
Theo đó, có đến 73% học sinh ở các trường THCS và THPT tham gia khảo sát cho biết từng hứng chịu bạo lực tinh thần thông qua các hình thức mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục do giáo viên, nhân viên trường học và bạn bè gây ra. Trong đó, 41% học sinh cho biết từng bị tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập (gọi chung bị bạo lực thể chất) và 19% học sinh bị bạo lực tình dục.
Tuy khảo sát chưa tiến hành trên quy mô cả nước, số lượng học sinh tham gia khảo sát chưa nhiều, nhưng những con số trên cũng phần nào cho thấy tình trạng báo động về nạn bạo lực học đường, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và nhận thức của học sinh.
Theo thời gian, những thương tổn đó sẽ tích tụ, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát thành tội ác mà ngay chính người từng là nạn nhân nay “đổi vai” thành kẻ thủ ác cũng cảm thấy bình thường. Trường học trong trường hợp này, nếu không làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, nhân cách sẽ vô tình đẩy học sinh vào những việc làm sai trái, gián tiếp tiếp tay cho tội ác nảy sinh.
Qua hai sự việc trên cho thấy, đã đến lúc xã hội cần mạnh tay, kiên quyết tẩy chay bạo lực học đường. Trong đó, môi trường học đường cần được tinh lọc theo hướng thải trừ cái xấu; tích cực quảng bá, nhân rộng cái đẹp để các thế hệ sau không đi theo vết xe đổ mà chúng ta đang mỗi ngày chứng kiến và hứng chịu.
MINH QUÂN