Cùng với việc tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, tướng John Allen, bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tình ái của cựu Giám đốc CIA David Petraeus, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta điều trần trước quốc hội về chi tiêu ngân sách, giờ đây, quân đội Mỹ đang chuẩn bị đưa một binh sĩ ra tòa đối diện với mức án cao nhất. Rắc rối đang bủa vây Lầu Năm Góc.
Xả súng vào thường dân
Một công tố viên quân sự thuộc Tòa án quân sự Mỹ ngày 13-11 cho biết có các bằng chứng cho thấy trung sĩ Robert Bales đã thảm sát 16 thường dân Afghanistan. “Rõ ràng những điều khủng khiếp đã xảy ra”, công tố viên Rob Stelle khẳng định. Tuy nhiên, luật sư của Bales cho rằng Bales phạm tội trong lúc bị căng thẳng thần kinh và thể chất nên có thể được giảm nhẹ. Theo bà Scanlan - luật sư của Bales - người ta phát hiện rượu, chất giảm đau và thuốc ngủ có trong máu của Bales lúc xảy ra vụ thảm sát.
Bales năm nay 39 tuổi, phục vụ tại Tiểu đoàn số 2, Lữ đoàn bộ binh Stryker số 3, thuộc Sư đoàn bộ binh số 2 đóng quân tại căn cứ ở huyện Panjwayi, tỉnh Kandahar. Bales bị cáo buộc 16 tội danh giết người, 6 tội cố ý giết người, 7 tội tấn công người khác, 2 tội dùng ma túy và một tội dùng rượu. Bales tại ngũ 11 năm, trong đó 4 năm cuối tại Afghanistan. Sáng sớm ngày 11-3, hai ngôi làng ở Kandahar trải qua cơn kinh hoàng khi Bales xả súng giết 16 thường dân, trong đó ít nhất 9 trẻ em và nhiều phụ nữ.
Bà Scanlan cho rằng Bales đã bị áp lực quá lớn trong môi trường chiến đấu quá nguy hiểm. Trong thập kỷ của cuộc xung đột quân sự kể từ khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, đây là tội phạm chiến tranh đẫm máu nhất do một người Mỹ duy nhất gây ra. Vụ này đã gây phương hại cho quan hệ giữa hai chính phủ Mỹ và Afghanistan.
Dự kiến phiên xử Bales sẽ diễn ra trong giai đoạn cuối năm 2012. Theo báo cáo của các binh sĩ khác và những người làm chứng trong vụ thảm sát, Bales đã vượt lên trước một nhóm lính Mỹ và xả súng điên cuồng vào đám đông thường dân. Quần áo của Bales dính máu của ít nhất 4 người khi bị bắt giữ. Một phòng thí nghiệm giám định đã xác định đây là máu của những người bị Bales giết.
Quân đội Mỹ kể từ năm 1961 tới nay chưa xử tử hình một binh sĩ nào. So với số người chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai tại Việt Nam, số người chết và tính chất dã man của vụ này chưa bằng nhưng những lính Mỹ trong vụ Mỹ Lai không bị tử hình. Do đó, dư luận Mỹ lo ngại vụ này cũng sẽ theo lối mòn như vậy.
Không hành động một mình?
“Thật tệ hại, xấu hổ, thực sự xấu hổ”, David Godwin, một binh sĩ Mỹ làm chứng đã trích dẫn lời của Bales nói như vậy sau khi Bales trở về căn cứ. Điều này cho thấy, Bales đã ý thức được hành động tội ác do y gây ra. Dư luận Mỹ cho rằng vụ thảm sát thật ghê tởm, tàn bạo và mang tính chất hèn hạ khi những người bị giết là trẻ em và đàn bà, vì thế án tử hình là xác đáng.
Một vấn đề khác mà luật sư của Bales lưu ý chính là lời khai của chính các binh sĩ - đồng đội của Bales. Bà Scanlan cho rằng lời khai này chưa đáng tin cậy. Hai nhân chứng, trong đó có Corporal Godwin, thừa nhận uống rượu với Bales trước khi Bales phạm tội, vi phạm các nội quy quân đội.
Một phát ngôn viên cho gia đình Bales, Stephanie Tandberg, đã kêu gọi mọi người không nên vội vàng phán xét Bales. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng người lính Mỹ này được xét xử công bằng với các thủ tục pháp lý được đảm bảo như tất cả những người Mỹ khác” - bà nói. Gia đình Bales yêu cầu bồi thường vì cho rằng Bales bị căng thẳng sau chấn thương tinh thần trong quá trình điều tra. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ điều tra vấn đề này.
Phiên điều trần của Bales trước tòa án quân sự, ngoài nhân chứng trong đơn vị của Bales còn có nhân chứng và nạn nhân người Afghanistan thông qua một màn ảnh video trực tiếp từ Afghanistan. Một trong số đó là một bé gái 7 tuổi, em mô tả cách nấp vào cha như thế nào và cha em bị bắn như thế nào vào đêm định mệnh ấy.
Theo luật sư của Bales, anh ta không thể hành động một mình. Điều đó có thể đúng so với lời khai của một nhân chứng. Bà Masooma, vợ của ông Najiban, một trong số 16 người bị Bales giết cho biết bà thấy 2 binh sĩ Mỹ bước vào nhà la lớn “Taliban”, sau đó lôi chồng bà ra bắn vào đầu. Ngoài ra còn nhiều tiếng súng khác vang lên trong khi xảy ra vụ thảm sát.
Thế nhưng, bà Masooma đã không được cho lời khai trong buổi điều trần ngày 13-11 mà thay vào đó là anh rể của bà, ông Mullah Baraan. Ông này lại cho rằng chỉ có một binh sĩ gây ra vụ thảm sát. Luật sư của Bales cho biết khả năng Barran nhận 50.000 USD từ Chính phủ Mỹ. Baraan thừa nhận rằng ông có nhận tiền từ Chính phủ Mỹ nhưng là khoản tiền đền bù của các nạn nhân để chăm sóc con cái của ông Najiban.
Bales hiện không sinh sống ở bang Ohio nhưng là con út trong gia đình có 5 anh em trai sinh ra và lớn lên ở Norwood, ngoại ô TP Cincinnati, bang Ohio. Sau khi tên Bales được Chính phủ Mỹ công bố, thị trấn nhỏ này bỗng chốc trở nên ồn ào trước sự đổ bộ của báo chí. Bales gia nhập quân đội sau vụ 11-9 ở tuổi 27, 28. Trước khi gia nhập quân đội, Bales làm cố vấn tài chính. Y bị cặp vợ chồng già ở Ohio cáo buộc lừa đảo họ gần 1 triệu USD.
Tuy nhiên y không bị xét xử vì được tòa án đánh giá là do áp lực tài chính nên dẫn đến việc làm sai. Thật ra, theo New York Times, cặp vợ chồng già nói trên nộp đơn kiện vào tháng 5-2000. Sau đó 1 năm tòa không thể triệu tập Bales vì Bales đang ở trong quân đội.
Khánh Minh tổng hợp