Thăm xóm người mù ngày cận tết

Ở xóm người mù phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), trong những ngày cận tết, không khí vẫn lặng lẽ. Với mức thu nhập thấp và thất thường, ít người có khả năng mua sắm, sửa sang nhà cửa đón tết. Tuy vậy, vẫn có thể thấy được những người khuyết tật ấy đang nỗ lực vượt lên số phận.
Thăm xóm người mù ngày cận tết

Ở xóm người mù phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), trong những ngày cận tết, không khí vẫn lặng lẽ. Với mức thu nhập thấp và thất thường, ít người có khả năng mua sắm, sửa sang nhà cửa đón tết. Tuy vậy, vẫn có thể thấy được những người khuyết tật ấy đang nỗ lực vượt lên số phận.

  • Miệt mài với công việc

Hơn 5 giờ sáng, mọi người trong xóm người mù đã tụ họp chuyện trò và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Trong khi mọi người nô nức đón tết, các cư dân xóm người mù vẫn miệt mài lao động kiếm sống. Trẻ con luôn háo hức chờ đợi tết đến để được diện quần áo mới, được lì xì, được đi chơi tết, thế nhưng với trẻ con của xóm người mù thì những thứ đó quá xa xỉ. Những ngày này, vừa được nghỉ tết chúng lại tranh thủ phụ ba mẹ rong ruổi trên các con phố để bán vé số. Thiệt thòi và vất vả như vậy, nhưng trên gương mặt các em chúng tôi vẫn bắt gặp nét ngây thơ và nụ cười hồn nhiên.

Từ năm 1966 xóm người mù phường Bình Hưng Hòa được hình thành với gần 60 gia đình từ khắp nơi tụ họp về. Đa số gia đình kiếm sống bằng nghề làm chổi, làm bàn chải. Đến năm 2003, TPHCM thực hiện dự án giải tỏa hành lang kênh Nước Đen, xóm phải giải tỏa. Với số tiền ít ỏi được đền bù chi phí tu sửa nhà trước đây, một số hộ chuyển về Củ Chi, Hóc Môn… tái định cư, còn phần lớn các hộ phải thuê nhà trọ quanh xóm cũ để tiếp tục kiếm sống với nghề làm chổi, làm bàn chải và bán vé số.

Vợ chồng chú Lương Văn Hiền, 55 tuổi ở xóm người mù đi bán vé số.

Vợ chồng chú Lương Văn Hiền, 55 tuổi ở xóm người mù đi bán vé số.

Hiện nay tại quận Bình Tân chưa có Hội Người mù, nên người mù ở xóm vẫn sống lay lắt bên ngoài sự bảo trợ của xã hội. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, 55 tuổi, mù từ khi 3 tuổi, nay đang phải chống chọi với căn bệnh thoái hóa khớp gối. Hiện tại bà sống cùng đứa cháu ngoại đang học lớp 8 và một người bạn cũng bị mù trong căn phòng thuê nhỏ hẹp. Con gái của bà đang bươn chải đi làm xa kiếm tiền gửi về thuốc thang cho mẹ và tiền ăn học cho con.

Tình cảnh của bà Châu Thị Đoàn, 68 tuổi, còn cơ cực hơn. Không thấy đường và đã già yếu nhưng hàng ngày bà vẫn lần mò đi bán vé số để tự lo tiền nhà, tiền ăn. “Tôi không có hộ khẩu ở đây nên không được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước, còn sức đi bán vé số thì còn kiếm được miếng cơm, chỉ sợ mấy năm nữa chân run, sức yếu…” - bà Đoàn tâm sự.

Cách nơi bà Đoàn đang ở trọ không xa là căn phòng trọ của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, 54 tuổi. Ông bị mù cả hai mắt và mất một cánh tay nhưng hiện là trụ cột của gia đình 5 miệng ăn. Con gái ông Bình đang khỏe mạnh bỗng dưng mắc bệnh động kinh, chân tay co giật không thể tự kiểm soát được hành vi, không đi lại được.

Gánh nặng chồng chất thêm khi con rể bỏ đi, để lại người vợ bệnh cùng đứa con gái vừa vào lớp một cho ông Bình. Đứa con trai của ông cũng ốm yếu, ngày khỏe đi phụ sơn nhà cho người ta, ngày ốm phải nằm nhà vật vã với cơn đau. Vợ ông phải ở nhà lo toan cho con cháu, một mình với tập vé số, ông Bình rong ruổi khắp phố để lo cho cả gia đình. Nhiều người mù vất vả đi bán vé số, bữa đói bữa no.Vậy mà có khi họ còn bị kẻ xấu giật vé số hoặc giật tiền, có người gặp nạn như vậy ngồi khóc cả ngày.

  • Đừng quên những cảnh đời cơ cực

Được biết, các hộ ở xóm mù có hộ khẩu TPHCM được địa phương cấp giấy chứng nhận hộ nghèo và 3 năm gần đây đã được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước. Năm đầu tiên (2009) trợ cấp 120.000 đồng/tháng/hộ; từ tháng 1 đến tháng 5-2011 trợ cấp 240.000 đồng/tháng/hộ. Số tiền trợ cấp không bao nhiêu nhưng cũng giúp họ có chút khoản tiền trang trải khi ốm đau hoặc đóng tiền học cho con cái.

Đến tháng 6-2011, họ được địa phương thông báo mức tiền trợ cấp sẽ được tăng lên 290.000 đồng/tháng/hộ, nhưng chẳng hiểu sao từ đó đến nay không hộ nào trong xóm được nhận tiền trợ cấp nữa. Được biết, Hội Người mù TPHCM đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương đề nghị thành lập Hội Người mù quận Bình Tân, thông qua đó hội và chính quyền có thể chăm lo phần nào cho đời sống của các gia đình khiếm thị, thế nhưng cả năm nay bà con trông mãi mà vẫn chưa thấy có động tĩnh gì.

Cái nghèo vẫn đeo đẳng, nhưng có một chuyển biến để những cư dân xóm người mù có niềm tin ở tương lai, đó là con cái của các vợ chồng mù được sinh ra và lớn lên có đôi mắt sáng và đang dần thay thế cha mẹ trở thành lao động chính của các gia đình. Dù nghèo khó nhưng ai cũng rất ý thức lo cho con cái lành lặn, khỏe mạnh và chăm chỉ học hành. Khi nhắc đến chuyện học của lũ trẻ, trên nét mặt của các cư dân xóm người mù đều rạng rỡ hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, mọi người tranh nhau kể về Trân và Diệm - hai con của vợ chồng cô Hoàng Thị Mỹ và chú Vĩnh Tú vượt khó chăm học, cả hai đang là sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM sắp tốt nghiệp. Hàng ngày dò dẫm đi bán vé số nhưng vợ chồng cô Mỹ và chú Tú vẫn động viên hai con đến trường. Cư dân xóm người mù đang gắng sức lo toan và gửi gắm niềm tin vào thế hệ cháu con, kỳ vọng rồi đây con cái của mình sẽ đem lại ánh sáng cho cuộc sống nơi xóm nghèo này.

THU HƯỜNG - THÚY ANH

Tin cùng chuyên mục