Theo kết quả khảo sát của Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vừa được công bố, bệnh điếc nghề nghiệp chiếm đến 65% trường hợp bồi thường thiệt hại do bệnh nghề nghiệp.
Điếc nghề nghiệp xếp thứ 4 trong 21 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ điếc nghề nghiệp ở một số ngành nghề chiếm tỷ lệ cao như: thợ khoan đá, thủy thủ tàu biển, thợ khoan than, công nhân cơ khí, công nhân dệt,… và phổ biến trong mọi ngành nghề sản xuất (xây dựng, giao thông vận tải, công nông nghiệp). Nhiều nguyên nhân gây điếc, song điếc do tiếng ồn đáng được quan tâm.
Trong số 259 công nhân được yêu cầu giám định điếc nghề nghiệp tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, chủ yếu là thợ đứng máy và bảo trì. Thời gian công tác (có tiếp xúc với tiếng ồn) từ 2 tháng đến 28 năm. Các trường hợp được gởi đến giám định là công nhân làm việc ở môi trường tiếng ồn trên 85 dBA, làm việc 8 giờ/ngày. Kết quả có 44 công nhân được xác định bị điếc nghề nghiệp, một tỷ lệ khá cao. Ca bị điếc nghề nghiệp có thời gian tiếp xúc với tiếng ồn ít nhất là 1 năm. Thời gian công tác của công nhân trên 5 năm, tình trạng điếc nghề nghiệp tăng lên nhiều. Càng tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu, tỷ lệ điếc nghề nghiệp càng tăng. Tuổi càng cao, tỷ lệ điếc nghề nghiệp càng cao, do thời gian công tác nhiều hơn hoặc do sự lão hóa của hệ thống thính giác theo thời gian.
Theo các chuyên gia, bệnh điếc nghề nghiệp có tần suất cao trong các loại bệnh nghề nghiệp, nhưng có thể ngăn ngừa nhờ các biện pháp bảo hộ, theo dõi phát hiện sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển. Người lao động cần đeo dụng cụ bảo vệ thính giác phù hợp (nút tai hoặc chụp tai) khi làm việc ở vị trí có tiếng ồn cao. Công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn xen kẽ, chuyển đổi, tránh thời gian tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài.
Trương Ngọc