Tôn sùng, ngưỡng mộ ai đó vì tài năng và bản lĩnh là chuyện cần thiết để những bạn trẻ có thể nhìn theo đó mà phát huy khả năng hay hướng đến điều tốt đẹp như thần tượng mình ngưỡng mộ; nhưng giới trẻ ngày nay, ngoài việc “mộ điệu” tài năng và bản lĩnh, họ còn chạy theo xu hướng mê vóc dáng bên ngoài (điển trai, xinh gái) hoặc thời trang và cả những tính cánh lập dị của thần tượng, khiến một số ít bạn trẻ sa đà và văn hóa thần tượng trở thành thảm họa…
Trào lưu mới
Rất nhiều bạn trẻ cho biết họ có hai quan niệm về thần tượng, một là người thực sự tài năng, ví dụ như nhà sáng lập ra Facebook hoặc Bill Gate đều là những nhà lãnh đạo tài giỏi trong lãnh vực công nghệ thông tin và họ chính là thần tượng của hàng triệu triệu sinh viên IT trên thế giới; thứ hai là người quá “siêu” về kỹ năng như khả năng diễn giả trước đám đông, trở thành “sao” trong một môn thể thao, văn hóa, giải trí nào đó… mà kỹ năng đó ở nhiều bạn trẻ sẽ chẳng bao giờ có được, cho dù họ đã cố gắng hết mức có thể…
Nhiều bạn trẻ ngày nay chạy theo thần tượng đến độ đánh mất cả lối sống của mình (ảnh minh họa)
Bạn Công Nam, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế, cho biết rất thích bóng đá và đã tham gia các câu lạc bộ sinh viên, học sinh nhiều năm nhưng không thể nào trở thành siêu sao như Ronaldo hoặc Messi được. Chính vì vậy, để lấp khoảng trống tâm lý, Nam không bỏ sót bất cứ trận đấu nào có hai thần tượng của mình, cho dẫu lịch đấu trùng với lịch thi. Thậm chí, Nam cố tìm các chiếc áo thun có tên thần tượng để mặc và gần như ước nguyện lớn nhất trong cuộc đời Nam là có cơ hội gặp được thần tượng.
Nam chia sẻ, từ khi còn là học sinh cấp 2 đã đam mê bóng đá vì ba của Nam ở nhà cũng là fan bóng đá, ngoài giờ đi làm về thì ông chỉ thích xem đá bóng, nhất là những mùa World Cup hoặc Euro; ông gần như ăn, ngủ, với trái bóng lăn… Không khó để hiểu rằng, Nam là bản sao của ba nhưng khát khao của Nam còn nhiều hơn thế nữa vì ba của Nam không thể bỏ tất cả vì bóng đá vì ông là trụ cột của gia đình.
Chị Hoàng Mai, mẹ của Tố My, sinh viên kiến trúc năm thứ 2, cho biết, gia đình chị không có ai là fan cuồng của Kpop. Chị quản các con rất kỹ trong việc học cũng như giải trí, nhưng trong một lần nói chuyện với bạn của con gái mình, chị mới phát hiện Tố My đang là thành viên trong một nhóm fan cuồng của Bigbang - nhóm nhạc của Hàn Quốc và trong một lần nhóm này đến Việt Nam biểu diễn, con gái chị đã bỏ học để ra sân bay vật vã chờ nhiều giờ chỉ để mong muốn được nhìn thấy mặt thần tượng. “Chắc do tôi quản thúc và cấm đoán con tham gia những hoạt động khác ngoài việc học, nên khi nghe chuyện con mình đang “mê” thần tượng, tôi sốc và đã khóc rất nhiều. Tôi biết nếu một khi đã thần tượng rồi, con bé sẽ rất khó thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống và lối sống”, chị Hoàng Mai tâm sự.
Định hướng lối sống cho con
Chính do các bậc làm cha mẹ không hiểu hết hoặc mơ hồ về ý nghĩa của “thần tượng” nên họ hoặc cấm đoán không cho con cái có cơ hội thần tượng ai đó, hoặc chỉ trích trào lưu này. Tuy vậy, một trong hai cách đều đã đúng, Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam, giảng viên Khoa tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết: Tuổi trẻ không thể sống mà không có thần tượng vì nhờ vào đó để có hình mẫu noi theo. Có thể nói, sống mà không có hình tượng lý tưởng thì chẳng khác nào sống vô định, thiếu thần tượng giống như đi biển ban đêm thiếu ngọn hải đăng, mất định hướng. Thế nhưng say mê thần tượng đến nỗi “nghiện” như một số bộ phận tuổi teen bây giờ thì trở thành thái quá. Chạy theo thần tượng thành “trào lưu mãnh liệt” sẽ làm tê liệt ý thức độc lập, chủ động, sáng tạo của bản thân, thậm chí còn làm tê liệt nhận thức trí tuệ, không còn phân biệt đâu là văn hóa - thần tượng, đâu là thảm họa do mê tín thần tượng thì thật đáng lo, đáng báo động.
Nếu con em mình đang rơi vào tình trạng đó, trước hết phụ huynh cần trao đổi một cách nhẹ nhàng với con mình như một người bạn lớn, tận dụng không khí ấm áp của gia đình để từng bước “định hướng giá trị” nhất là “giá trị sống” cho con em mình theo các hình thức, như kể một chuyện nào đó liên quan, trò chuyện về vấn đề thời sự, đọc sách cùng con em hoặc giới thiệu sách mà con em cần đọc, tâm sự, tâm tình và nêu gương cho con em hàng ngày; từ đó dần dần xây dựng cho con em lý tưởng sống, nhân sinh quan.
Thần tượng là hình tượng tự tỏa sáng, tự tạo lực hấp dẫn, do vậy phụ huynh hãy giúp con em mình tự tạo ra thần tượng cho các em theo hướng tích cực từ những tấm gương vượt khó, ý chí trong học tập và những mảnh đời (đồng trang lứa) có những thành tích vượt bậc trong cuộc sống, chứ không phải phụ huynh tạo ra thần tượng rồi bắt các em theo. Vì vậy, ý thức về sở thích, sở trường và sở hữu (điều kiện có được) của các em mới là những căn cứ quyết định. Về phía giới trẻ, các em có quyền quyết định hướng đi và tương lai của mình với tư cách là chủ nhân của cuộc đời mình, nên sống là hướng tới tương lai xa và nên nhớ cha mẹ luôn là người có kinh nghiệm, có những ý kiến hỗ trợ cho chúng ta tốt nhất.
| |
Gia Lynh