Tháng an toàn giao thông - 5 giải pháp thiết thực

Từ năm 2004 đến nay, tháng 9 hàng năm đều là tháng an toàn giao thông (ATGT). Việc tổ chức tháng ATGT có tác dụng góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan quản lý về ATGT, nhằm kéo giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT)…

Tuy nhiên, không phải tháng ATGT năm nào cũng có kết quả thiết thực. Chẳng hạn, trong tháng ATGT năm 2010, số vụ TNGT và người chết vì TNGT trong cả nước không giảm hơn so với tháng ATGT năm 2009.

Còn tại TPHCM, trong tháng 9-2010 đã xảy ra 85 vụ TNGT, chết 66 người và bị thương 38 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ TNGT tăng 7 vụ (8,97%); số người chết giảm 3 người (-4,35%); số người bị thương tăng 8 người (26,67%) (Báo SGGP, ngày 23-10-2010). Tình hình này cũng diễn ra tương tự ở một số địa phương khác.

Thực tế đó cho thấy, nếu các ngành các cấp, các địa phương không thực sự quan tâm và có những biện pháp quyết liệt thì tháng ATGT có vẻ như “đến hẹn lại lên” chứ chưa tạo chuyển biến rõ nét về tình hình ATGT. Xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể phải thực sự xem trọng tháng ATGT, xem đây là một đợt cao điểm để chấn chỉnh tình hình ATGT trên địa bàn, kéo giảm rõ rệt TNGT. Không nên chỉ ra nghị quyết suông mà còn cần theo dõi, đôn đốc các ngành, các đơn vị trong công tác này. Sự quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương là động lực, cơ sở đến các ngành các cấp có sự kiên quyết. Là việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân nên không thể lơ là, xem nhẹ.

Thứ hai, các ngành các cấp, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông và ngành giao thông - vận tải, phải rà soát trên địa bàn xem vấn đề nào về ATGT cần phải chấn chỉnh để tập trung thực hiện. Chẳng hạn, ở địa phương X còn tình trạng lấn chiếm lề đường để buôn bán, còn ùn tắc giao thông, còn đua xe… thì tập trung giải quyết triệt để “từng món”; địa phương Y còn “điểm đen” về TNGT thì tập trung tuần tra, phân tuyến hợp lý, lắp đặt biển báo, tăng cường công tác tuyên truyền…

Thứ ba, tháng ATGT được thực hiện đồng thời trong cả nước nên các ngành, các địa phương cần có sự phối hợp nhịp nhàng, hợp lý từ công tác tuyên truyền, tuần tra, xử phạt cho đến tháo gỡ những vướng mắc về ATGT. Chẳng hạn, trong công tác tuần tra, xử phạt, nếu địa phương này “chặt” mà địa phương kia “lỏng” thì dễ nảy sinh xu hướng người điều khiển phương tiện sẽ lơ là thực hiện (như trong việc kiểm tra tốc độ, ở tỉnh “siết” thì lái xe sẽ chạy cẩn thận nhưng họ sẽ chạy nhanh để “bù” ở tỉnh “buông”)…

Thứ tư, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” sau tháng ATGT. Những chủ trương, biện pháp đảm bảo ATGT nếu có tác dụng thực tế thì phải duy trì chứ không được lơ là, bỏ qua.

Thứ năm, sau tháng ATGT cần có kiểm điểm, rút kinh nghiệm, biểu dương những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm. Qua đó có thể nhân rộng những mô hình tích cực, xử lý kịp thời những biểu hiện chưa tốt…

Đã là năm thứ 8 thực hiện tháng ATGT, xuất hiện tâm lý “bão hòa” nên công tác ATGT ít có đột phá, ít có chuyển biến. Để tránh tâm lý đó, cũng như để không cho rằng đây chỉ là hoạt động “đến hẹn lại lên”, các ngành, các cấp, các địa phương cần xem trọng hơn nữa hoạt động đảm bảo ATGT trong tháng này.

Trúc Giang (quận 3)

Tin cùng chuyên mục