Thang thuốc nghĩa tình giúp bệnh nhân nghèo

Hàng tuần vào ngày thứ năm và chủ nhật, tại chùa Tường Quang (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) luôn có hàng trăm bệnh nhân nghèo đến khám bệnh. Hai hàng ghế đá phía trước và bên hông phòng khám Tuệ Tĩnh Đường của nhà chùa, nằm đối diện chánh điện, gần như chật kín chỗ khi chúng tôi đến thăm nơi khám bệnh và phát thuốc miễn phí này.
Thang thuốc nghĩa tình giúp bệnh nhân nghèo

Hàng tuần vào ngày thứ năm và chủ nhật, tại chùa Tường Quang (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) luôn có hàng trăm bệnh nhân nghèo đến khám bệnh. Hai hàng ghế đá phía trước và bên hông phòng khám Tuệ Tĩnh Đường của nhà chùa, nằm đối diện chánh điện, gần như chật kín chỗ khi chúng tôi đến thăm nơi khám bệnh và phát thuốc miễn phí này.

Lương y Bùi Thái Khiêm (bên trái), Trưởng phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, chùa Tường Quang, khám cho bệnh nhân nghèo.

Lương y Bùi Thái Khiêm (bên trái), Trưởng phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, chùa Tường Quang, khám cho bệnh nhân nghèo.

Một phụ nữ luống tuổi vừa nhận xong 3 thang thuốc nam, liên tục cảm ơn người phát thuốc. Bà là Huỳnh Thị Mọn (quê ở Đức Hòa Đông, Long An), cho biết: “Tôi bị bệnh về xương khớp đã gần 10 năm. Do gia đình làm ruộng khó khăn quá nên không có tiền thuốc thang. May nhờ hàng xóm chỉ chỗ này khám cho thuốc không mất tiền nên tôi lên nương nhờ, gần 6 tháng nay, bệnh đã đỡ nhiều”. Cụ bà Dương Thị Sáu (77 tuổi, ngụ tại xã Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM) bị bệnh cao huyết áp, móm mém chia sẻ: “Họ tốt lắm chú ơi, khám xong cho thuốc uống liền. Tôi khỏe lên nhiều rồi. Cảm ơn các lương y ở đây nhiều lắm”. Và gần như tất cả những người bệnh có mặt hôm ấy đều chung một niềm vui, sự tự tin khi khẳng định với chúng tôi rằng bệnh tật họ giảm không phải chỉ có thuốc miễn phí mà ở đó còn có tình người là nguồn động viên tinh thần để vượt qua bệnh tật.

Gương mặt lương y trẻ Bùi Thái Khiêm, Trưởng phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, lấm tấm mồ hôi do bệnh nhân đông, càng về trưa càng oi bức. Hết lượt này đến lượt khác, một tay bắt mạch, tay còn lại nâng ống nghe, chăm chú từng cử động của bệnh nhân, rồi lại kê đơn từng loại thuốc cho từng loại bệnh. Tâm sự với sư cô Thích Nữ Chúc Hiền (70 tuổi, người sáng lập phòng khám), được biết, từ lúc đi vào hoạt động (năm 1995) đến nay đã có gần 300.000 lượt bệnh nhân nghèo được sẻ chia những thang thuốc nghĩa tình, giúp họ vượt qua cơn bạo bệnh. Sư cô từ tốn bộc bạch: “Giúp đời bớt cái khổ, cái đau không chỉ phù hợp với điều Phật dạy mà còn là tâm nguyện suốt đời của bản thân tôi. Một người qua cơn khốn khó là lòng tôi vô cùng thanh thản”. Được biết, tất cả chi phí khám chữa bệnh, phát thuốc… được trích từ tiền công đức của chùa, một phần do mạnh thường quân đóng góp.

Về hoạt động nhân đạo của nhà chùa, Chủ tịch MTTQ quận 12 Bùi Văn Thanh, nhận xét: “Những năm vừa qua cơ sở khám bệnh từ thiện của nhà chùa đã góp phần cùng quận chăm sóc sức khỏe y tế  cho nhân dân quận 12 nói riêng và bà con các nơi nói chung. Đây là chỗ dựa tin cậy của nhân dân lao động nghèo mỗi khi đau bệnh. Chúng tôi trân trọng ghi nhận và mong tấm lòng vàng của sư cô và quý tu sĩ, phật tử chùa Tường Quang tiếp tục phát huy”.

MAI NGUYỄN - ĐỨC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục