Thành cổ Đại Lý

Ai đã từng mê Kim Dung, đọc và xem Thiên Long Bát Bộ mà không từng ao ước một lần đặt chân lên lãnh địa của “Đoàn Dự - Doãn Vương”? Hay lên đỉnh Thương Sơn và du thuyền trên hồ Nhĩ Hải cùng nhiều danh thắng khác của vùng Đại Lý?
Thành cổ Đại Lý

Ai đã từng mê Kim Dung, đọc và xem Thiên Long Bát Bộ mà không từng ao ước một lần đặt chân lên lãnh địa của “Đoàn Dự - Doãn Vương”? Hay lên đỉnh Thương Sơn và du thuyền trên hồ Nhĩ Hải cùng nhiều danh thắng khác của vùng Đại Lý?

Thành cổ Đại Lý ảnh 1

Một góc cổ thành Đại Lý.

Ngày nay châu Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam, cách Côn Minh gần 400km về Tây Nam. Khu tự trị dân tộc Bạch này rộng hơn 28.000km2, dân số khoảng 4.000.000 người, có độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Vào thế kỷ X, người Di đã thôn tính các bộ tộc khác và lập ra nước Nam Chiếu được nhà Đường công nhận. Sang thế kỷ XII, nhà Đoàn thuộc dân tộc Bạch đoạt ngôi và lập nên vương triều Đại Lý. Đến nhà Nguyên kinh đô Đại Lý được dời về Côn Minh.

Từ Côn Minh hàng đêm có 5 chuyến xe lửa tốc hành đi thị xã Hạ Quan, thủ phủ của Đại Lý. Loại xe lửa 2 tầng giống như những chung cư mini chạy rất êm trên đường ray 1,4m khá hiện đại và sạch sẽ. Mỗi chuyến chở trên ngàn người! Thành cổ Đại Lý cách Hạ Quan 13km, có chu vi 8km gồm 9 đường lớn, 18 đường nhỏ và 4 cổng chính: Đông - Tây - Nam - Bắc được xây theo kiểu tam quan; có tháp cao, thành rộng. Cửa Tây Môn (còn gọi là Sướng Sơn) dựa lưng vào núi Thương Sơn hùng vĩ. Cửa Đông Môn (còn gọi là Nhĩ Hải) mở ra hồ Nhĩ Hải mênh mông. Hồ dài 45km, rộng từ 6 - 9km.

Bước vào cổng thành cổ, bên những mái nhà xưa hiền hòa, rêu phong, du khách dường như bỏ lại mọi xô bồ của phố thị. Do ở cạnh núi nên chất liệu xây dựng ở đây chủ yếu là đá và gỗ. Đá dựng tường thành, đá kết vách nhà, đá lát nền đường... Tất cả cột, kèo, rui, mè, đòn tay, cửa lớn, cửa nhỏ đều làm bằng gỗ quý mấy trăm năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Hai bên đường luôn có hệ thống suối nhỏ róc rách. Vừa đảm bảo thuật phong thủy trong kiến trúc phương Đông, vừa làm nhiệm vụ thoát nước.

Thành cổ Đại Lý ảnh 2

“Hoàng thượng” giá lâm, mời “thứ dân” vào tham quan kinh đô Nam Chiếu (phim trường Thiên Long Bát Bộ)

Trong thành cổ chỉ có người đi bộ và xe đẩy. Có cả khu phố sầm uất với nhà trọ, tiệm ăn dành cho khách Tây. Thành cổ không bán vé. Du khách ra vào tự do. Bù lại các công ty du lịch và dân chúng trong thành sẽ nộp thuế cho nhà nước theo quy định.

Mỗi nhà dân trong thành là mỗi cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản Đại Lý. Từng nhóm thiếu nữ Bạch, với trang phục sặc sỡ sẵn sàng làm hướng dẫn hoặc chụp hình lưu niệm với khách. Không khí trong veo và tĩnh lặng, trời nắng nhẹ còn đất thì mát rượi, văng vẳng tiếng nhạc hòa tấu xa xăm. Khách cứ như lạc vào cõi xưa cả ngàn năm trước. Vào mùa trăng, thành cổ càng trở nên quyến rũ mê hoặc.

Khác với vẻ trầm mặc của thành cổ, phim trường Thiên Long Bát Bộ cách đó 5km luôn náo nhiệt. Đầu mỗi buổi sáng chiều, nhạc thiết triều rộn rã với nghi thức đại lễ. Lính thú mở đường, quan đọc chiếu chỉ, rồi cung tần và hoàng đế mở cổng đón dân chúng vào cung Trường Thọ. Đây là hoàng thành thu nhỏ. Có khu dân cư với những sinh hoạt đời thường. Có khu cung cấm phép tắc nghiêm ngặt.... Du khách được nghinh đón trọng thị, tha hồ thưởng ngoạn xiếc, tạp kỹ, ca nhạc... và chiêm bái các hoạt động chốn cung đình.

- Tour du lịch Côn Minh – Đại Lý 4 ngày, giá từ 509USD – 599USD/khách, bán tại Công ty Du lịch Lửa Việt, Saigontourist. Công ty Du lịch Bến Thành cũng nhận làm tour Côn Minh nhưng chỉ cho khách đoàn.

Đặc biệt là mục “ném tú cầu chọn phò mã”. Hoàng hậu và công chúa lộng lẫy trên ban công. Dưới thềm quần thần và thứ dân chen chúc. Mọi người hồi hộp đợi công chúa ném quả tú cầu để chụp. Ai chụp được - bất kể già trẻ sang hèn đều trở thành phò mã với nghi thức trang trọng và vui nhộn... Khá khen cho nghệ thuật kinh doanh dịch vụ này của người Trung Quốc. Bỏ hơn 1 tỉ nhân dân tệ (mỗi tệ bằng 2.000 đồng Việt Nam) xây phim trường hoành tráng. Quay phim xong thì tái hiện lịch sử, bán vé cho du khách gần xa nườm nượp. Mỗi vé 60 tệ. Chả mấy năm thu hồi vốn. Khi cần vẫn cho thuê làm phim, “nhất cử lưỡng tiện”.

Từ Thành cổ Đại Lý, du khách đi cáp treo lên lưng chừng núi Thương Sơn - dừng lại ở Trung Hòa Phong để chiêm ngắm toàn cảnh kỳ vĩ của Đại Lý. Xuống hồ Điệp Tuyền, khám phá vườn sưu tập bướm và hồ Pha Lê - nước trong như không có nước. Hoặc đến tham quan Tam Tháp sừng sững. Tháp chính cao 70m, hai tháp phụ cao 42m được xây dựng từ năm 937. Hoặc du ngoạn bằng thuyền trên hồ Nhĩ Hải, nghe ca nhạc dân tộc, thưởng thức ẩm thực đặc sắc và nghệ thuật trà đạo độc đáo của người Bạch. Chủ khách như hòa quyện, chơi vơi giữa hư ảo của đất trời. Nhiều người bảo Đại Lý là vùng đất tứ tuyệt, quả không sai! 

NGUYỄN VĂN MỸ


Tin cùng chuyên mục