
Ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia… cảnh sát du lịch (Tourist Police) là đội ngũ không thể vắng bóng ở các điểm du lịch, luôn có mặt giúp đỡ du khách kịp thời. Còn ở Việt Nam, đây là 1 dự án đã bàn đến 3 năm, cuối cùng thì tháng 10 tới, TPHCM sẽ có lực lượng bảo vệ du khách.
Chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu trường hợp khách du lịch bị quấy nhiễu, tuy nhiên theo báo cáo của một số khách sạn (KS) liên doanh ở khu vực quận 1 và quận 3 thì mỗi tháng trung bình có ít nhất 5 – 6 trường hợp khách du lịch nước ngoài bị móc túi.

Chèo kéo khách du lịch, một hình ảnh không đẹp trên đường phố.
Đặc biệt, ở khu trung tâm thành phố như chợ Bến Thành, công viên 23-9, Sở Thú… cò du lịch, hàng rong và các đối tượng tệ nạn xã hội xuất hiện khá nhiều. Đã có nhiều trường hợp khách nước ngoài bị chèo kéo, rạch túi, móc tiền, người lang thang đeo bám xin tiền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng khách du lịch quay lại Việt Nam lần thứ 2, 3 rất ít.
Bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, ngành du lịch rất mong muốn có 1 lực lượng cảnh sát du lịch chuyên nghiệp nhằm ngăn chặn các trường hợp quấy nhiễu du khách, tạo môi trường du lịch thuận lợi và an toàn. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, nghĩa là về an ninh quốc gia, khi du khách đến VN họ không lo lắng nạn khủng bố hoặc bị bắt cóc tống tiền, tuy nhiên vấn đề trật tự xã hội, nhất là tại thành phố lớn như TPHCM thì vấn đề này càng trở nên bức xúc.
Thực tế, thời gian qua, dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực dẹp bỏ các hình thức bán hàng rong, cò mồi, nạn ăn xin… nhưng cũng chỉ giống như bắt cóc bỏ dĩa, hết chiến dịch, các đối tượng này lại xuất hiện và lại gây nhiều phiền hà cho du khách.
Được biết, tháng 4-2005 UBNDTP đã chấp thuận ý kiến thành lập lực lượng bảo vệ du khách của Sở Du lịch TPHCM. Qua đó, mục tiêu chính của lực lượng này là làm sao giúp đỡ du khách, ngăn chặn các trường hợp cò mồi, buôn bán, níu kéo làm phiền hà du khách.
Theo Sở Du lịch TPHCM, tiêu chuẩn chung để gia nhập lực lượng này là phải hội đủ ít nhất ba điều kiện, có ngoại ngữ (Anh văn), trình độ tốt nghiệp PTTH và có ngoại hình. Sở Du lịch sẽ chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kiến thức tổng quan về du lịch TP, về các điểm tham quan. Ngành công an chịu trách nhiệm đào tạo về nghiệp vụ bảo vệ. Nếu không có gì thay đổi, tháng 10-2005 tới, lực lượng bảo vệ du khách sẽ ra mắt.
Với sắc phục riêng, lực lượng này sẽ chia thành từng tổ tuần tra theo các khu vực tham quan và sẽ hoạt động từ 8 giờ sáng đến 24 giờ khuya. Giám đốc Sở Du lịch cũng nhấn mạnh: “Tôi tin rằng có lực lượng bảo vệ du khách tại mỗi địa điểm tham quan, khách du lịch sẽ cảm thấy yên tâm hơn và sẽ hài lòng khi chọn lựa TPHCM là địa điểm dừng chân”.
Tuy nhiên, đây là một kế hoạch cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành, cái khó là làm sao xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ du khách, trong mối quan hệ với các ngành liên quan như Công an, Sở Lao động Thương binh Xã hội, chính quyền địa phương… Ngoài ra, tài chánh cũng là vấn đề cần bàn tính để đảm bảo hoạt động của lực lượng này lâu dài. Bởi lẽ, sau khi có quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng và trách nhiệm của từng ban ngành thì sự phối hợp thực hiện sẽ tách bạch hơn.
Rõ ràng, một thành phố thu hút 1,5 triệu du khách mỗi năm như TPHCM, cần thiết phải tạo được môi trường du lịch an toàn và thân thiện. Do đó, trước khi có cảnh sát du lịch như các quốc gia trong khu vực, việc TPHCM đi tiên phong xây dựng lực lượng bảo vệ du khách là một nỗ lực cần thiết và phải sớm được thực hiện.
MINH THẢO