Trước hết, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với mục tiêu tổng quát mà Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X (2015-2020) đã nêu, đó là “Xây dựng Đảng bộ thành phố thật trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Có thể nói mục tiêu tổng quát nêu trên thể hiện khát vọng phát triển của thành phố và mỗi một mục tiêu nhỏ trong mục tiêu tổng quát ấy đòi hỏi rất nhiều giải pháp. Quả vậy, để xây dựng và từng bước đưa TPHCM thân yêu của chúng ta thành một đầu tàu, một trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước và rộng hơn là của cả khu vực Đông Nam Á, thành phố phải làm sao huy động được sự tham gia của mọi thành phần dân cư trên địa bàn thành phố, làm sao để mọi người dân hiện đang sống trên địa bàn thành phố cảm thấy phải có trách nhiệm tham gia xây dựng thành phố và tìm thấy cơ hội để tham gia. Ở đây, chúng tôi chỉ mong thành phố nên quan tâm hơn nữa đến nhóm cư dân nhập cư vốn đang ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố.
Như chúng ta đều biết, vì là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước nên thành phố từ lâu đã trở thành “lực hút” đối với nhiều người dân trên mọi miền của đất nước mà bằng chứng là tỷ lệ tăng dân số cơ học (tăng dân số do di dân) luôn luôn ở mức cao hơn so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Và nếu đánh giá một cách công bằng, chúng ta không thể không thừa nhận rằng nguồn nhân lực “nhập cư” đã đóng góp một phần rất quan trọng vào sự phát triển của thành phố trong nhiều năm qua. Quả vậy, chúng ta không thể hình dung được các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố sẽ vận hành như thế nào nếu không có đội ngũ công nhân nhập cư. Bên cạnh đó, các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức - vốn cũng đóng góp khá nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố - cũng có sự tham gia đông đảo, thậm chí là đa số của lực lượng người lao động nhập cư. Đồng thời trong số những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, sự đóng góp của nguồn nhân lực nhập cư cũng không phải là ít.
Chính vì người nhập cư là một trong những bộ phận quan trọng đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng của thành phố nên thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với lớp người này. Cụ thể trong thời gian tới Đảng bộ và chính quyền thành phố cần phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để người nhập cư cảm nhận được rằng thành phố đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của họ cho thành phố; thành phố phải làm cho người nhập cư thấy được rằng họ được đối xử công bằng như một công dân của thành phố trong việc hưởng thụ các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước… Hiện nay, dù thành phố đã có một số giải pháp tích cực nhưng xét về mặt thụ hưởng các dịch vụ căn bản, người nhập cư tại thành phố dường như vẫn phải chịu mức chi phí khá cao. Nếu chúng ta thật sự muốn xaây döïng thành phố trở thành một “thành phố nghĩa tình” thì chúng ta không thể không đối xử tốt với người lao động nhập cư.
LÊ MINH TIẾN
(Giảng viên Xã hội học, ĐH Mở TPHCM)