Thành phố sống tốt là thành phố thượng tôn pháp luật

Khi bàn về tiêu chí sống tốt, ở cấp độ thành phố thông minh, thành phố nghĩa tình… thì theo tôi, đồng thời cần nhấn mạnh xây dựng thành phố thượng tôn pháp luật.
Thành phố sống tốt là thành phố thượng tôn pháp luật

Khi bàn về tiêu chí sống tốt, ở cấp độ thành phố thông minh, thành phố nghĩa tình… thì theo tôi, đồng thời cần nhấn mạnh xây dựng thành phố thượng tôn pháp luật.

Điều kiện của “sống tốt”

Chúng ta chú trọng xây dựng xây dựng “TPHCM có chất lượng sống tốt” trên nền tảng văn minh, hiện đại là đúng xu hướng xây dựng phát triển và quản trị đô thị trong kỷ nguyên ngày nay. Đi vào cụ thể, chúng ta nói cần xây dựng thành phố xanh, nghĩa là đề cao môi trường sống, trước hết là môi trường tự nhiên. Chúng ta cũng nói xây dựng “thành phố thông minh” theo nghĩa gắn với các công nghệ thông minh, thể chế minh bạch, thông minh… Chúng ta cũng nói xây dựng “thành phố nhân văn” mà cụ thể là nhấn mạnh “thành phố nghĩa tình”. Nhưng chúng ta chưa nói xây dựng thành phố kỷ cương, thượng tôn pháp luật, thành phố pháp quyền.

Tại sao vậy? Có người bảo rằng, nói thành phố văn minh, hiện đại là có yêu cầu pháp luật rồi? Như khi nói thành phố có chất lượng sống tốt cũng có nội dung nghĩa tình rồi. Sống không có nghĩa tình trong quan hệ xã hội làm sao mà “sống tốt” được. Do vậy, ở đây có hai loại tiêu chí hay mệnh đề chung: Thành phố sống tốt và thành phố văn minh, hiện đại (cố nhiên, chúng có quan hệ và làm tiền đề nhân quả của nhau). Nhưng, như nói ở trên, cũng có những tiêu chí, mệnh đề cụ thể hơn như thành phố xanh, thành phố nghĩa tình, thành phố thông minh, “thành phố thượng tôn pháp luật”… Đó là chưa kể ở cấp độ hàng chục tiêu chí cụ thể hơn. Cần phân biệt cấp độ cụ thể và cấp độ chung, không nên lẫn lộn và xếp ngang nhau.

Phục vụ nhân dân tốt cũng là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của cán bộ công chức.

 Ảnh: VIỆT DŨNG

Khi bàn về tiêu chí sống tốt, ở cấp độ thành phố thông minh, thành phố nghĩa tình… thì theo tôi, đồng thời cần nhấn mạnh xây dựng thành phố thượng tôn pháp luật. Không thượng tôn pháp luật thì không thể sống tốt được. Thượng tôn pháp luật vừa là điều kiện để sống tốt, sống an toàn, bình yên, có trật tự, kỷ cương, vừa là nội dung của hành vi sống tốt, nó như phẩm chất sống tốt của công dân đô thị, nó cũng vừa là mục tiêu như là một xã hội có kỷ cương, trật tự. Xã hội nông thôn hiện nay có thể còn thiên về lễ, nghĩa tình, nhưng xã hội đô thị thì trước hết phải là thiên về luật.

Không thượng tôn pháp luật, không thể “sống tốt”

Xây dựng đời sống đô thị, chất lượng sống đô thị mà không nhấn mạnh kỷ cương, không “thượng tôn pháp luật” thì không thể có chất lượng sống tốt được. Một xã hội vốn trọng tình, duy tình mà lại không nhấn mạnh và tôn trọng pháp luật, thần linh pháp quyền, thì khó mà văn minh hiện đại và có chất lượng sống tốt được. Phát huy tình nghĩa, tránh duy lý hóa cực đoan, nhưng cũng coi chừng tình nghĩa hóa, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, nghiêng quá về tình nghĩa để làm méo mó pháp luật, né tránh trách nhiệm công dân, né tránh trách nhiệm pháp luật làm cho mọi hành vi xã hội trở nên tùy tiện, rối loạn kỷ cương. Bất chấp pháp luật, đứng trên pháp luật, lách luật, phép vua thua lệ làng - ý thức, thói quen ấy đã tạo nên nhiều tiền lệ xấu không chỉ từ công dân mà cả từ không ít cán bộ của cơ quan lãnh đạo, quản lý, đã làm cho chất lượng cuộc sống méo lệch, xấu đi và ngăn cản sự phát triển bền vững, tiến bộ, nhân văn.

Không xây dựng được một nhà nước pháp quyền thật sự của dân do dân và vì dân, không xây dựng được một xã hội công dân văn minh, dân chủ, trọng pháp quyền thì không thể là thành phố sống tốt, một xã hội sống tốt, nhất là trong bối cảnh dân chủ hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, hội nhập quốc tế hiện nay.

Thành phố sống tốt là công dân, cộng đồng cư dân đô thị sống tốt. Sống tốt là sống an toàn, dân chủ, có trật tự; sống tốt là sống bình yên, an toàn, khoẻ mạnh, tiện ích, vui tươi, hạnh phúc… thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống về vật chất và tinh thần ngày càng tăng, càng phong phú, đa dạng…

Cho nên nếu không chấp hành luật lệ giao thông, luật lệ xây dựng, luật lệ bảo vệ môi trường, luật lệ làm ăn… thì không thể văn minh và sống tốt. Xây dựng ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong các hành vi lãnh đạo, quản lý, quản trị xã hội và trong mọi hoạt động sản xuất, sống hàng ngày của công dân là xây dựng ý thức sống tốt.

Trước thực trạng phát triển kinh tế và đô thị nhưng làm ô nhiễm nặng nề môi trường sống, chúng ta kêu gọi xây dựng thành phố xanh. Trước xây dựng thành phố còn lạc hậu, lạc lõng, không bắt kịp xu thế thời đại minh bạch, sáng suốt, công nghệ thông minh… chúng ta kêu gọi xây dựng thành phố thông minh, chính quyền đô thị sáng suốt.

Nhưng trước thực trạng lộn xộn, tùy tiện, lạm quyền, bất chấp kỷ cương, luật pháp, hoặc nhiều yếu kém trong thực thi hiến pháp và pháp luật, đức quyền hơn pháp quyền, tình hơn lý, lệ hơn luật… đã và đang làm nảy sinh nhiều hệ lụy thì không thể không nêu bật mệnh đề, tiêu chí cơ bản, bao trùm là xây dựng thành phố kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Chúng ta xây dựng xã hội dân chủ và kỷ cương, văn minh và tiến bộ, xanh, sạch và đẹp, sáng suốt và thông minh, công bằng, tự do và công lý; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; cán bộ nhà nước chỉ được làm theo hiến pháp và pháp luật, còn công dân được làm những điều mà hiến pháp và pháp luật không cấm… Đặc biệt, ở xã hội đô thị như TPHCM thì không thể không đề cao tiêu chí cơ bản, bao trùm của chất lượng sống tốt: thượng tôn pháp luật.

HỒ BÁ THÂM

Tin cùng chuyên mục