Putrajaya

Thành phố thông minh

Thành phố thông minh

6 năm về trước, tôi có dịp đến Putrajaya, khi ấy còn là một bãi trống, rộng ngút ngàn. Người bạn đi cùng hồi ấy, anh U Chin Ong, Trưởng ban Thể thao nhật báo Guang Ming, cho biết: “Nơi đây sẽ xây dựng một thành phố đẹp vào hàng bậc nhất thế giới, một thủ đô của tương lai, một thành phố thông minh (Intelligent City)”.

Thành phố thông minh ảnh 1

6 năm sau, cùng đoàn bóng đá báo Công an TPHCM thực hiện chuyến du đấu tại Malaysia, tôi lại có dịp đến Putrajaya. Và thật ngỡ ngàng, một thành phố nguy nga, tráng lệ sừng sững đã hiện ra, trở thành điểm đến không thể thiếu của mọi tour du lịch.

Tọa lạc trên một khu vực khai thác thiếc cũ, chen giữa khu rừng già, nằm ở phía Nam tỉnh Prang Besar, thuộc bang Selangor, Putrajaya có những đền thờ Hồi giáo uy nghiêm với nét đẹp tuyệt vời, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là đền Putra Mosque với mái vòm màu hồng, cao 116m (cao nhất trong khu vực), được thiết kế giống hệt đền thánh Omar ở Baghdad, Iraq.

Các công trình xây dựng tại Putrajaya là sự kết hợp giữa lối kiến trúc Gothic của các công thự và đường nét hiện đại của các công trình giao thông như chiếc cầu Putra dài 435m, nối với khu vực làm việc của chính phủ, cầu Seri Perdana dài 370 và cầu Seri Wawasan.

Putrajaya có diện tích là 4.932 hécta, trong đó 37,5% diện tích phủ kín cây xanh và hoa, 25,8 % dành cho các biệt thự nhỏ xinh để đón 350.000 cư dân, chủ yếu là viên chức chính phủ. Theo kế hoạch, Putrajaya sẽ là thủ đô hành chính của Malaysia, còn Kuala Lumpur sẽ là thủ đô tài chính, như một “New York của phương Đông”.

Nhờ môi trường sống trong sạch, Putrajaya còn có tên gọi khác là “Garden City” (thành phố vườn). Với một Cyberjaya, thành phố công nghệ thông tin như kiểu “Thung lũng Silicon” của Mỹ, nằm bên cạnh, Putrajaya còn được gọi là “City on the Net”.

Lập kế hoạch, rồi xây dựng một thành phố vừa tráng lệ, vừa hiện đại chỉ trong vòng vài năm quả là điều đáng để chúng ta nhìn vào và suy ngẫm.  

Tin cùng chuyên mục