
Chỉ được nghe vài dòng thông tin về sản phẩm giới thiệu trên trang web mua bán, qua trao đổi trực tiếp bằng điện thoại hoặc email với người bán, một cuộc giao dịch có thể được tiến hành với điều kiện “tiền đi trước, hàng đi sau”. Người mua luôn phải nắm “đằng lưỡi”, chấp nhận những cuộc mua bán theo kiểu hên xui, có thể mất trắng và trong trường hợp này “niềm tin” là thứ được mong đợi hơn cả món hàng gửi lại!
- Bất lợi nghiêng về người mua

Khách hàng Việt Nam có thể mua sách ở amazon.com thông qua dịch vụ của nhà sách Minh Khai trên website www.minhkhai.com.vn.
Nếu một cuộc giao dịch không diễn ra như mong đợi, người mua chỉ còn cách “bắt thang lên hỏi ông trời”, vì ở Việt Nam các trang web mua bán không hề chịu một trách nhiệm nào trong các cuộc giao dịch của khách hàng.
Với những trang mua bán kiểu này, hiện nay chỉ có 5giay.com của một công ty vi tính ở TPHCM là có một vài động thái can thiệp, chẳng hạn bắt buộc người bán phải cung cấp đầy đủ địa chỉ liên lạc, số nhà, điện thoại, khi phát hiện “hét” giá, thông tin gian lận, thông tin lập tức sẽ bị xóa.
Anh H.N., kinh doanh điện thoại trên đường 3-2, TPHCM, nhận xét: Trường hợp “vỡ hợp đồng” chỉ gặp trong những cuộc giao dịch ngoài tỉnh, vì người mua phải chuyển tiền cho một người xa lạ qua tài khoản ngân hàng, đường bưu điện mà ta chưa chắc lắm!
Dân chuyên nghiệp ít khi bị “sập bẫy”, hơn nữa đa phần người bán là những đầu nậu kinh doanh ở thị trường “đen” này muốn làm ăn lâu dài. Mọi thủ tục gửi tiền, nhận biên lai cho đến gửi hàng đều diễn ra như cách các cửa hàng, doanh nghiệp bán hàng qua mạng áp dụng. Nhưng yếu tố giá rẻ do không chịu thuế đã hấp dẫn nhiều người và họ sẵn sàng chấp nhận rủi may.
- Sàn giao dịch: tiêu chuẩn chuyên nghiệp
Câu chuyện về một tay chơi Vespa cổ ở TPHCM đấu giá qua mạng, mua một chiếc Vespa cũ nát ở Mỹ có giá trên 1.000 USD đã là việc mua bán qua mạng quốc tế của những năm trước đây.
Hiện tại, việc tham gia các trang web mua bán quốc tế của khách hàng Việt Nam không còn thuận tiện như trước vì có một vài trang web lớn có tính toàn cầu như amazon.com đã tẩy chay các IP từ Việt Nam (người giao dịch sử dụng mã vùng Việt Nam). Nguyên nhân là do có nhiều hacker Việt Nam đã đột nhập vào tài khoản ở nước ngoài sử dụng thanh toán ở đây bị phát hiện. Hiện nay, chỉ còn cách nhờ người quen ở nước ngoài mua giúp hoặc thông qua các trang web khác.
Có thể nói, hiện nay hai trang web amazon.com và ebay.com là hai web mua bán lớn nhất thế giới, uy tín và cách hoạt động chuyên nghiệp mang tính toàn cầu. Nhiều mặt hàng mua ở đây phải thông qua đấu giá. Trang web này được xem là một trong những trang web bán sách nổi tiếng thế giới. Không chỉ thống lĩnh thị trường trên mạng, amazon.com còn cạnh tranh gay gắt với thị trường bên ngoài. Khi “sự kiện” Harry Potter phát hành 2 tập đầu vào năm 2001, amazon.com đã bán trước thị trường vài tiếng đồng hồ!
Hiện nay ở Việt Nam, Nhà sách Minh Khai ở TPHCM đã cung cấp dịch vụ mua sách trên amazon.com thông qua mạng minhkhai.com.vn. Và hình thức mua bán này hết sức chuyên nghiệp, mọi giao dịch đều phải thông qua amazon.com và họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước khách hàng. Tuy nhiên, có lẽ việc quản lý sản phẩm văn hóa ở mỗi nước khác nhau nên minhkhai.com.vn cho biết “khách hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về nội dung cuốn sách khách đặt mua”.
Các trang web mua bán ở Việt Nam hiện nay chỉ đóng vai trò của một trang quảng cáo. Đó không phải là một sàn giao dịch trên mạng đúng nghĩa. Khi tính chuyên nghiệp chưa được đầu tư và quản lý thì việc mua bán trên mạng ở Việt Nam còn phải dựa vào yếu tố “tin nhau”.
MỸ HẠNH