Thanh tra trọng điểm những lĩnh vực “nhạy cảm”

Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của ngành thanh tra đã diễn ra ngày 4-1 tại Hà Nội.

(SGGP).- Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của ngành thanh tra đã diễn ra ngày 4-1 tại Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong năm 2012, toàn ngành đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính, 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 người.

Riêng TTCP tiến hành 46 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Đến nay đã kết thúc 37 cuộc; ban hành 24 kết luận thanh tra; kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng (đã thu 2.509 tỷ đồng); kiến nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 29.562 tỷ đồng (đã xử lý được 21.549 tỷ đồng), kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi 48ha đất và kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định 5.862ha; chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 vụ.

TTCP cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, nhờ đó trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. TTCP đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường thanh tra, phát hiện các hành vi tham nhũng. Ngành thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104.592 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 104.592 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. Một số bộ, ngành, địa phương tích cực phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng như: Hậu Giang, Long An, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình…

TTCP và các bộ, ngành trung ương đã tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Tính đến ngày 25-12-2012, đã rà soát 528/528 vụ việc, trong đó xem xét đủ điều kiện chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt xem xét, thụ lý ngay 415 vụ việc; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 41 vụ việc; TTCP và các bộ, ngành hữu quan đang thống nhất phương án giải quyết 29 vụ việc, các vụ việc còn lại giao các địa phương tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, TTCP cũng nhận định, năm 2012, hiệu quả thanh tra chưa cao, tỷ lệ xử lý sau thanh tra còn thấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, kết quả chưa cao; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra chưa phù hợp cả về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, chế độ chính sách. Vì vậy, năm 2013, thanh tra các cấp, các ngành sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng. Phấn đấu thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc mới phát sinh; thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trên 80% vụ việc. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những yếu kém ngành thanh tra cần sớm được khắc phục. Đó là một số cuộc thanh tra kết luận còn chậm, chưa thuyết phục, chưa đủ răn đe, còn dễ dãi. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận, số đoàn khiếu kiện năm nay còn cao. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn ít, chưa chủ động, quyết liệt... để ngăn chặn phòng, chống tham nhũng. Phó Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra cần đổi mới hoạt động. Công tác thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm và thanh tra cả những nơi tiềm ẩn xảy ra sai phạm, nhất là với những lĩnh vực “nhạy cảm” như đất đai, đầu tư công, tài chính - ngân hàng, tài nguyên khoáng sản… Theo Phó Thủ tướng, các kết luận thanh tra phải khách quan, chính xác, kịp thời, kiến nghị xử lý phải nghiêm minh, cụ thể, không kiến nghị kiểu “vô thưởng, vô phạt”. “Không cán bộ cấp trên nào được can thiệp vào các cuộc thanh tra”, Phó Thủ tướng nêu rõ…

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục